Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

14:02 | 22/02/2022

Để bắt kịp sự phát triển của công nghệ 4.0 đồng thời khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị xuất bản đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung phát triển các định dạng sách khác như sách điện tử (ebook), sách nói (audio book)….

Đưa sách lên nền tảng số

Theo Bộ TT&TT, năm 2020, xuất bản phẩm điện tử bị chững lại, số lượng thậm chí sụt giảm so với năm 2019 thì năm 2021 các đơn vị đã phát hành tăng 12% so với năm 2020, với 25 triệu lượt truy cập.... Năm vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cấp 5 Đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; hỗ trợ các Nhà xuất bản, Phụ nữ Việt Nam, Văn hóa dân tộc, Kim Đồng, Công an nhân dân, Hà Nội, Tri thức để phát triển xuất bản, phát hành sách điện tử.

Sau khi chính thức được Bộ TT&TT cấp phép thực hiện các xuất bản phẩm điện tử, Nhà xuất bản Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án sách điện tử Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Kho tư liệu sách điện tử miễn phí cung cấp 137 đầu sách hàn lâm (hơn 200 tập sách), 41 đầu sách phổ thông thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, văn học - nghệ thuật, địa lý, kinh tế... cung cấp nguồn tư liệu có giá trị, độ tin cậy cao từ nền tảng Internet; tháo gỡ khó khăn của bạn đọc trong việc khai thác, trích dẫn, sử dụng các nguồn tài liệu tại các thư viện công cộng. Những tác phẩm mới của Nhà xuất bản này cũng được phát hành với hai hình thức bản giấy và bản điện tử.

Trước đó, năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng đã có bước chuyển mạnh khi xây dựng nền tảng công nghệ để phát triển sách điện tử. Trang Stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook của đơn vị đang cung cấp hàng trăm xuất bản phẩm điện tử giá trị, có nguồn thông tin chính thống cho bạn đọc. Nhà xuất bản ra mắt song song các ấn phẩm bản giấy và bản điện tử, như các tác phẩm trong Tủ sách Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Thanh niên học và làm theo lời Bác….

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trong năm qua cũng tập trung giới thiệu trên sàn thương mại điện tử sách giấy (Book365.vn) và nền tảng xuất bản điện tử (Ebook365.vn). Trong số 601 đầu sách mà đơn vị thực hiện năm 2021, có đến 282 đầu sách điện tử, trong đó, cuốn Cẩm nang phòng, chống Covid-19 trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đã có trên 120.000 lượt người đọc…

Không chỉ sách điện tử, thị trường sách nói cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh theo cấp số nhân, với sự tham gia của ngày càng nhiều đơn vị phối hợp với các NXB để khai thác lĩnh vực này như Fonos, Voiz FM và Mydio...

Đổi mới, đẩy mạnh công cuộc số hóa trong cơ quan xuất bản

Chuyển đổi số trong xuất bản đã được thể hiện trong nhiều văn bản chỉ đạo thời gian qua. Trong đó, “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20-30% tổng số đầu sách được xuất bản. “Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021-2025” đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT phê duyệt, cũng đã nêu trọng tâm từng bước chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Tuy nhiên, việc tổ chức xuất bản điện tử không dễ dàng đối với các đơn vị xuất bản truyền thống của Việt Nam. Hiện tại, cả nước mới chỉ có 11 Nhà xuất bản và 4 đơn vị phát hành được cấp đăng ký hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Theo Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, việc chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm. Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và NXB hầu như chưa có.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng thừa nhận, nhân lực xuất bản điện tử thiếu và yếu. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, công nghệ số, vốn cần đầu tư kinh phí lớn… đang là thách thức với nhiều đơn vị xuất bản. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt cho rằng, đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi là yếu tố then chốt. Các đơn vị phải đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích của độc giả.

Thời gian tới, toàn ngành xuất bản cũng cần nhanh chóng có những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản, tiến tới chuyển đổi số theo hướng đồng bộ. Một số nhiệm vụ, đề án trọng tâm trong triển khai kế hoạch năm 2022 mà Cục Xuất bản, In và Phát hành đặt ra là phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, xây dựng nền tảng phát hành điện tử dùng chung...

Trong sự chuyển đổi của kỷ nguyên số, các ngành, các đơn vị đều phải nỗ lực thích nghi, đổi mới về mọi mặt nhằm đáp ứng xu thế công nghệ 4.0. Tuy vậy, đẩy mạnh số hóa trong xuất bản cũng làm phát sinh nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ, các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực xuất bản cần đẩy mạnh xây dựng, ban hành các chế tài đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực này.