Đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

08:59 | 24/05/2022

Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất nội dung, phương án triển khai, ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các chương trình, đề án, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực hiện các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số, trong thời gian qua, cơ quan nhà nước các cấp đã chủ động, tích cực triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn những bất cập, hạn chế như: chữ ký số chuyên dùng Chính phủ chưa được sử dụng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; thời gian cung cấp chứng thư số có lúc, có nơi chưa kịp thời; hiệu quả công tác triển khai sử dụng chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức; việc áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên các thiết bị di động thông minh, các hệ điều hành khác nhau chưa được triển khai rộng rãi; công tác kiểm tra đánh giá tại các cơ quan nhà nước chưa tiến hành thường xuyên.

Nguyên nhân chủ yếu của các bất cập, hạn chế nêu trên là hành lang pháp lý liên quan đến cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại, gia hạn chứng thư số chưa thuận lợi cho cơ quan, tổ chức thực hiện và trách nhiệm triển khai các thủ tục hành chính này của một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của lãnh đạo và cán bộ công chức một số cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa cao; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí và nguồn nhân lực chuyên trách thực hiện lĩnh vực công tác này còn mỏng và hạn chế.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ như một công cụ quan trọng để đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ngày 23/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, xét đề nghị của Bộ Quốc phòng tại Văn bản số 771/BC-BQP ngày 18/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước các cấp, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và các ứng dụng quản lý, chỉ đạo, điều hành; Phối hợp với Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất nội dung, phương án triển khai, ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các chương trình, đề án, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát, bổ sung nội dung về quản lý, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các văn bản quản lý về giao dịch điện tử, lưu trữ điện tử; Bổ sung tiêu chí ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương.