Dự thảo nêu rõ, mô hình liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là mô hình công nhận chéo.
Trong mô hình này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số công cộng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tin cậy đồng thời các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được quy định dưới đây:
- Danh sách các chứng thư số gốc tin cậy bao gồm: Các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
- Các chứng thư số gốc tin cậy quy định nêu trên có khoá công khai tương ứng và toàn văn chứng thư số dưới dạng PEM (Privacy Enhanced Mail) sẽ được quy định tại Phụ lục I hành kèm theo Thông tư này.
- Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ rà soát, cập nhật danh sách các chứng thư số gốc tin cậy để đảm bảo việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Dự thảo cũng quy định đối với chức năng ký số, kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số của các ứng dụng sử dụng chữ ký số. Theo đó, đối với chức năng ký số: Ứng dụng phải cho phép người ký là thuê bao của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thuê bao của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện ký số. Đối với chức năng kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số: Ứng dụng phải cho phép người ký, người nhận kiểm tra hiệu lực chứng thư số công cộng, chữ ký số công cộng và hiệu lực chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại các Điều 78 và 79 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.