Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0

16:05 | 18/07/2018

Ngày 13/7/2018, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự.

Về phía Hà Nội, có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội cắt băng khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2018.

 

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc khai thác đúng đắn, kịp thời những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. Cách mạng công nghiệp mới, một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi phải có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh mạng cho người dân và đất nước.

Phiên báo cáo chính được bắt đầu bằng nội dung Đánh giá năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam và đề xuất các cơ chế, chính sách do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày. Tiếp sau đó, phiên đối thoại về chính sách “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam” có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng.

Ngoài phiên báo cáo chính, Diễn đàn còn có 5 phiên hội thảo chuyên đề. Chuyên đề 1: Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến khích đối với Việt Nam. Chuyên đề 2: Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyên đề 3: Phát triển nền sản xuất thông minh - Tầm nhìn và giải pháp công nghệ. Chuyên đề 4: Bước tiến mới trong ngành tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyên đề 5: Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững (tổ chức chiều ngày 12/7).

Trong phiên đối thoại về “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”, với tư cách là diễn giả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện một số tổ chức nước ngoài và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trả lời và làm rõ về các vấn đề chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để bảo đảm “không một ai bị bỏ lại phía sau”, để Việt Nam không bị tụt hậu.

Phát biểu kết luận sau phiên thảo luận của Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, buổi làm việc đã đạt nhiều kết quả. Các đại biểu đã đưa ra những nhận thức rất mới, rất bổ ích, đưa ra những hành động cụ thể để phát triển công nghiệp 4.0.

Theo Thủ tướng, không phải đến bây giờ, mà trong quá trình áp dụng kỹ thuật mới và chuyển giao công nghệ, Việt Nam đã chủ động triển khai chuyển giao công nghệ. Nhiều công nghệ mới của thế giới đã được áp dụng như IoT, điện toán đám mây... góp phần tạo ra chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam.

“Song, đây mới chỉ là bước đầu và cơ hội phát triển còn rất lớn, chúng ta vẫn chưa thực sự bắt kịp với xu thế 4.0 của toàn cầu. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp triển khai nhanh, chủ động khai thác những cơ hội 4.0 mang lại; đồng thời mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các chuyên gia kinh tế... để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Năm 2017, chúng ta đã đề cập đến nội hàm Cách mạng công nghiệp 4.0 và năm nay 2018, tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương triển khai cụ thể hơn, quyết liệt hơn”.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ ra 6 nhiệm vụ cụ thể đối với Việt Nam.

Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị phải bám sát chủ trương của Đảng, thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển kinh tế số, dịch vụ thông minh để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện hoàn thành thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với các mô hình kinh doanh mới, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm hoàn thành hạ tầng mạng 4G, chuẩn bị cho mạng 5G để phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nâng cao năng lực giáo dục cấp cơ sở. Chú trọng phát triển khoa học - công nghệ chủ lực, cạnh tranh chiến lược của quốc gia, tích hợp các công nghệ mới, có chính sách phát triển mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ năm, chủ động hơn nữa các xu hướng phát triển của thế giới, các tác động không mong muốn trong cách mạng 4.0.

Đặc biệt, tăng cường kết nối thông tin với cộng đồng công nghệ thông tin ở nước ngoài; thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác sâu rộng với các quốc gia, tập đoàn đa quốc gia, những mô hình, những kinh nghiệm thực tế đối với 4.0.