Diễn tập bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống liên thông phục vụ chính quyền điện tử

16:54 | 17/05/2019
ĐT

Sáng ngày 17/5, tại Thái Bình đã diễn ra Hội thảo và Diễn tập về giám sát và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống liên thông phục vụ chính quyền điện tử. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tới tham dự và phát biểu khai mạc sự kiện. Tham dự sự kiện có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT và cán bộ làm CNTT, an toàn thông tin của hơn 30 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Hội thảo và Diễn tập giám sát và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống liên thông phục vụ chính quyền điện tử là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hội thảo và diễn tập an toàn, an ninh mạng cho các Sở TT&TT toàn miền Bắc do Bộ TT&TT, UBND tỉnh Thái Bình bảo trợ, Cục An toàn thông tin, Sở TT&TT tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại chương trình diễn tập, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, Nghị quyết 17 của Chính phủ năm 2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025” xác định rõ: “Bảo đảm an toàn thông tin mạng, gắn kết giữa bảo đảm an toàn thông tin với phát triển Chính phủ điện tử và Chính quyền điện tử các cấp”. Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang tiếp tục diễn ra ở quy mô lớn với hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, trong quý I/2019, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 1.534 cuộc, giảm 21,17% so với quý IV/2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I/2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma tính đến cuối tháng 3/2019 là hơn 1,8 triệu địa chỉ, giảm 17,42% so với quý IV/2018 và giảm 56,19% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số trên cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam có chuyển biến, có khả quan hơn, đã giảm so với năm 2018 tuy nhiên vẫn nằm ở mức cao.

Theo đánh giá xếp hạng an toàn thông tin mạng của các cơ quan, tổ chức nhà nước năm 2018 do Bộ TT&TT công bố tháng 4/2019, cơ quan, tổ chức được phân loại mức độ triển khai an toàn, an ninh mạng theo 5 mức A, B, C, D và E. Kết quả cho thấy, trong số 90 cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương, không có cơ quan, tổ chức nào xếp loại tốt (loại A) hoặc loại kém (loại E); 2/3 trong số các cơ quan này có mức độ quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức trung bình, chiếm tới 70%.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm, giao trách nhiệm tăng cường đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan chuyên trách trong việc triển khai các hệ thống kỹ thuật để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử và Chính quyền điện tử các cấp.

Bộ TT&TT đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đối với nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT cũng như đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bộ TT&TT rất mong các tỉnh, thành phố khác trên cả nước tiếp tục phát huy, đầu tư chăm lo cho công tác quan trọng này.

Quang cảnh chương trình Diễn tập

Chương trình Diễn tập hôm nay có sự tham gia của 10 đội gồm các cán bộ đến từ Bộ Y tế và 23 Sở TT&TT khu vực phía Bắc. Chương trình diễn tập bao gồm các tình huống mô phỏng kịch bản tấn công vào một hệ thống liên thông phục vụ Chính quyền điện tử. Với vai trò giám sát liên tục để bảo vệ, các đội tham dự phải phát hiện các manh mối của cuộc tấn công mạng và tiến hành thực hiện xử lý bằng các biện pháp khắc phục tạm thời, phân tích các thành phần độc hại để xác định nguồn gốc cuộc tấn công. Tiếp đó, các đội xác định lỗ hổng bị khai thác, vá lỗ hổng để tránh hacker tấn công trở lại, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng chống trong tương lai.

Bên cạnh hoạt động Diễn tập, phần Hội thảo diễn ra với các tham luận quan trọng, bao gồm: Chính phủ số, kết quả triển khai các hệ thống thông tin kết nối liên thông; giải pháp ứng dụng nền tảng số; trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); ứng dụng chữ ký số trong hệ thống Chính phủ điện tử.