Định danh và xác thực điện tử - yêu cầu tất yếu để xây dựng thành công Chính phủ điện tử

08:00 | 27/03/2019
T.U

Sáng ngày 22/3/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”. Hội thảo do Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan phát triển quốc tế Australia phối hợp tổ chức. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của định danh và xác thực điện tử trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và đặc biệt trong nền kinh tế số: “Đây là yêu cầu tất yếu cho việc xây dựng Chính phủ điện tử thành công”.

Trên thế giới hiện nay, theo số liệu của Văn phòng Chính phủ, có gần 1 tỷ người trên toàn cầu thiếu một hình thức định danh; 6,6 tỉ người còn lại có một số hình thức định danh, nhưng hơn 50% không thể sử dụng hiệu quả trong hệ sinh thái số hiện nay.

Còn tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức đã sở hữu nhiều mã số như: mã số bảo hiểm y tế (82 triệu), mã số bảo hiểm xã hội (trên 4 triệu), mã số thuế, mã số doanh nghiệp, mã số người gửi tiền ngân hàng, SIM di động.… Tuy nhiên, chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hiện đang được Bộ Công an xây dựng).

Toàn cảnh Hội thảo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà cần tìm các biện pháp sử dụng các mã số nêu trên để xác thực định danh công dân. Đến quý IV năm 2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia và khai trương Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu trên cơ sở nâng cấp Trục liên thông văn bản quốc gia đã được khai trương từ ngày 12/3/2019.

Tại Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa, việc xác định, định danh hiện nay phần lớn được thực hiện thông qua tài khoản và mật khẩu, không đủ đảm bảo định danh xác thực khi tham gia giao dịch.

Đại diện cho Ngân hàng Thế giới, cơ quan đồng tổ chức Hội thảo, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án cũng nhất trí với quan điểm quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc khẩn trương xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử. Lợi ích của việc xây dựng hệ thống này rất rõ ràng, đó là góp phần tiết kiệm cho công dân, chính phủ và doanh nghiệp, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính hiệu quả và thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới trong tiến trình cung cấp dịch vụ công. “Đây thực sự là một cơ hội không thể bỏ lỡ trong thời đại số”.

Ông Achim Fock cho biết, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai xác thực và định danh số. Từ Algeria, Zambia, Senegal ở châu Phi, Ấn Độ, Afganistan, Thái Lan ở châu Á ở mức độ phát triển chính phủ từ thấp đến trung bình, cho đến Australia, Canada, Đan Mạch, Anh đã phát triển chính phủ điện tử ở mức cao, đã chứng kiến trên thế giới các hoạt động triển khai các chương trình căn cước công dân điện tử quốc gia. Mục tiêu chung của các chương trình này là nâng cao việc cung cấp dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hình thành một hệ sinh thái xác thực và định danh số an toàn, có quy mô lớn và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Ông Achim Fock cũng lưu ý Việt Nam về 03 thách thức sẽ gặp phải khi triển khai hệ thống xác thực và định danh số.

Thứ nhất, cần tránh sự manh mún trong triển khai hệ thống xác thực và định danh số. Trong trường hợp chưa có một hệ thống định danh số mang tính nền tảng như cơ sở dữ liệu dân cư, thì có thể sử dụng cơ sở dữ liệu xác thực trong các lĩnh vực như mã số bảo hiểm xã hội, tài khoản ngân hàng, SIM di động,... để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý xác thực và định danh trong các lĩnh vực này cần phải làm sạch, đáng tin cậy trước khi đưa vào sử dụng trong hệ sinh thái xác thực và định danh số. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc hợp tác và kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ xác thực và định danh số dựa trên các tiêu chuẩn thống nhất về xác thực và định danh số nhằm tránh việc trùng lặp nền tảng, làm tăng chi phí khi cung cấp dịch vụ xác thực và định danh số.

Thứ hai là bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Cần xây dựng các văn bản pháp luật bảo vệ dữ liệu và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu việc lộ lọt thông tin cá nhân.

Thứ ba, hệ thống xác thực và định danh số hiệu quả cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên tham gia gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân, đặt người dân vào vị trí trung tâm trong tiến trình hoạch định chính sách xác thực số đều đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bà Samia Melhem, Chuyên gia trưởng về chính sách CNTT đến từ Ngân hàng Thế giới đưa ra một trường hợp điển hình về xây dựng hệ thống định danh và xác thực thông tin. Đó là trường hợp của Ấn Độ, đất nước đông dân nhất trên thế giới. Nước này đã triển khai hệ thống xác thực và định danh từ năm 2009 đến nay. Để có thể xác thực định danh cho 1,2 tỷ người dân, Ấn Độ đã huy động sự vào cuộc của hàng trăm nghìn công ty theo mô hình PPP (hợp tác công tư). Hay Rwanda, một nước nghèo ở Tây Phi đã hoàn thành xong việc xây dựng hệ thống xác thực định danh quốc gia và đã có một hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư khá đầy đủ.

Ngân hàng, nhà mạng di động cũng là một nguồn cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy về người dân cho Chính phủ trong quá trình xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử, bà Samia Melhem chia sẻ thêm.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ TT&TT đã có bài giới thiệu khái quát về những định hướng xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Đại diện của Văn phòng Chính phủ trình bày các giải pháp xác thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Định danh quốc gia (nID): được cấp phát bởi Chính phủ, được cấp phát duy nhất cho đối tượng và cho phép nhận dạng, xác thực và phân biệt với người khác để thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan.

Luật căn cước công dân là cơ sở pháp lý quan trọng về định danh và xác thực. Theo đó, căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

Định danh điện tử (eID)/digital ID): là tập hợp các thông tin liên quan tới một thực thể mô tả duy nhất đối tượng tham gia giao dịch trực tuyến.