Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ với Tỉnh ủy Sơn La
Tham gia đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo Cục Cơ yếu/Bộ Tổng Tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu/Bộ Công an; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ: Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền; Cục Chính trị - Tổ chức; Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã; Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin; Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, về phía Tỉnh ủy Hòa Bình có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; tại Tỉnh uỷ Sơn La có đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; tại Tỉnh ủy Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh.
Tại các buổi làm việc, báo cáo của các Tỉnh ủy đều cho thấy, các Tỉnh đã tích cực quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ. Công tác bảo mật, an toàn thông tin đảm bảo; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng các thiết bị, tài liệu mật mã bảo đảm an toàn, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy định của ngành; Các hệ thống kỹ thuật mật mã triển khai sử dụng kịp thời, thông suốt. Đội ngũ cán bộ, người làm công tác cơ yếu trong các cơ quan Đảng, Công an, Quân sự, Biên phòng, Viện kiểm sát nhân dân được đào tạo, có phẩm chất chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò tham mưu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thông qua buổi làm việc, các Tỉnh ủy mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục phối hợp, giúp đỡ tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về cơ yếu, quản lý người làm công tác cơ yếu, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Trong quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ cơ yếu; tập huấn cho cán bộ làm công tác cơ yếu của tỉnh; Sớm triển khai xây dựng Quy chế phối hợp và triển khai các nhiệm vụ về cơ yếu, quản lý người làm công tác cơ yếu đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương; Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc đăng ký, cấp mới e-token, sim PKI, máy tính đa giao diện,…; tăng thời hạn sử dụng chứng thư số, rút ngắn thời gian cung cấp, thiết lập kênh liên lạc để triển khai kịp thời các dịch vụ Chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên
Tại các buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực đặc biệt nhấn mạnh một số vấn đề mà các Tỉnh ủy cần quan tâm, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, đồng thời phát huy tốt năng lực của lực lượng cơ yếu trên địa bàn tỉnh. Đó là, tiếp tục quan tâm triển khai, quán triệt Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và các văn bản, quy định của pháp luật về cơ yếu; Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin, các quy định của pháp luật liên quan về bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm, rà soát, củng cố tổ chức; thực hiện đào tạo, bổ sung cán bộ làm công tác cơ yếu; phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin, triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai mạng liên lạc cơ yếu tại một số đơn vị cấp huyện nhằm tiến tới từng bước triển khai đồng bộ thống nhất mạng liên lạc cơ yếu trên toàn tỉnh; Chỉ đạo các đơn vị cơ yếu sử dụng các sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin phải tăng cường công tác quản lý thông qua kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo mật và an toàn thông tin.
Nhân chuyến công tác tại Tỉnh Điện Biên, Đoàn công tác đã đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Di tích lịch sử Đồi A1 và thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ trên Chiến trường Điện Biên Phủ.