4 nền tảng trợ lý ảo tập trung phát triển trong năm nay
Kế hoạch của Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo đã được ban hành. Nền tảng trợ lý ảo là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được Bộ TT&TT công bố.
Kế hoạch hướng tới phát triển nền tảng số về trợ lý ảo dùng chung trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm giúp tự động hóa quy trình, tiết kiệm nhân công, tăng cường năng suất công việc và chất lượng dịch vụ.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là phát triển các nền tảng trợ lý ảo: Trợ lý ảo cho cơ quan nhà nước; Trợ lý ảo cho người dân; Trợ lý ảo cho khách du lịch; Trợ lý ảo cho người học.
Trong đó, trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước sẽ được xây dựng và triển khai tại một số Bộ, phục vụ nhu cầu hỏi đáp của công chức, viên chức, người lao động về các lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Trợ lý ảo cho người dân hỗ trợ hỏi đáp về một số quy trình, thủ tục, dịch vụ công. Trợ lý ảo cho khách du lịch phục vụ tra cứu, tìm kiếm thông tin về danh lam thắng cảnh, các địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn... Với người học, sẽ triển khai trợ lý ảo hỏi đáp tri thức chung về địa lý, lịch sử và kiến thức chuyên sâu theo một số ngành, lĩnh vực cụ thể.
Đánh giá nền tảng số trợ lý ảo vào đầu tháng 7
Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT là đơn vị điều phối chung triển khai Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia. Cơ quan đầu mối thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo là Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.
Kế hoạch cũng nêu rõ các yêu cầu, tiêu chí đối với nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo. Theo đó, nền tảng phải đáp ứng nhu cầu hỏi đáp, tra cứu, tìm kiếm thông tin trong cơ quan nhà nước và của người dân. Bên cạnh việc đáp ứng những tiêu chí cơ bản của các nền tảng số quốc gia mà Bộ TT&TT ban hành, nền tảng trợ lý ảo phải hỗ trợ chức năng liên tục bổ sung tri thức từ nhiều nguồn khác nhau để trở nên thông minh hơn, hỏi đáp tốt hơn; đồng thời có khả năng hỏi - đáp theo hội thoại, trả lời những câu hỏi liên tiếp có nội dung liên quan đến nhau.
Theo lộ trình, ngay từ tháng 4/2022, các doanh nghiệp nòng cốt đã bắt đầu xây dựng, phát triển nền tảng số quốc gia trợ lý ảo như một dịch vụ, cho phép nhiều bên cùng tham gia cung cấp cho tổ chức, cá nhân; có thể sử dụng ngay, đơn giản, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành.
Dự kiến, nền tảng số quốc gia trợ lý ảo sẽ được triển khai chính thức từ tháng 11/2022. Thúc đẩy sử dụng nền tảng số trợ lý ảo để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tại kế hoạch mới ban hành, Bộ TT&TT xác định cần tăng cường nâng cao nhận thức tầm quan trọng của phát triển và sử dụng trợ lý ảo ở các khía cạnh: nâng cao mặt bằng tri thức cho người Việt, giúp lưu trữ tri thức của người Việt, mở ra một không gian mới cho phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, các giải pháp trọng tâm khác cũng được tập trung triển khai còn có: số hóa, mở dữ liệu, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, hình thành kho dữ liệu số dùng chung giữa cơ quan quản lý và nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số; Điều phối, hỗ trợ triển khai và tổ chức đánh giá, công nhận, công bố đạt yêu cầu nền tảng số quốc gia; Thông tin, tuyên truyền, quảng bá về nền tảng trợ lý ảo.
Trong Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Bộ TT&TT xác định rõ: Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một mục tiêu Chương trình hướng tới là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.