Theo Reuters đưa tin, chính phủ ba nước ủng hộ các cam kết tự nguyện ràng buộc đối với tất cả các nhà cung cấp AI lớn và nhỏ ở Liên minh châu Âu (EU), thay vì chỉ áp dụng đối với các nhà cung cấp AI lớn như đề xuất trước đó của Nghị viện châu Âu (EP).
Ba nước này cho rằng việc phân biệt những quy định theo quy mô của các nhà cung cấp AI sẽ tạo cạnh tranh không bình đẳng với lợi thế nghiêng về các nhà cung cấp AI nhỏ. Vì thế, cả Đức, Pháp và Italy cùng cho rằng những quy tắc ứng xử và tính minh bạch phải có tính ràng buộc đối với tất cả các đối tượng khác nhau.
Các nhà phát triển mô hình nền tảng sẽ phải xác định thẻ mô hình, được sử dụng để cung cấp thông tin về mô hình học máy. Các thẻ mô hình sẽ bao gồm thông tin liên quan để hiểu chức năng của mô hình, khả năng cũng như giới hạn của nó và sẽ dựa trên các phương pháp hay nhất trong cộng đồng nhà phát triển.
Một cơ quan quản lý AI có thể giúp phát triển các hướng dẫn và có thể kiểm tra việc áp dụng các thẻ mẫu.
Đặc biệt, thỏa thuận về quản lý AI của Đức, Pháp và Italy không quy định ngay các biện pháp trừng phạt.
Hệ thống xử phạt sẽ chỉ được thiết lập sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử sau một thời gian nhất định. Trong tương lai, một cơ quan có thẩm quyền của châu Âu sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đề ra. Hiện tại, các cơ quan của Liên minh châu Âu đang đàm phán về cách thức quản lý AI ở cấp độ khu vực.
Các chính phủ trên thế giới đang tìm cách nắm bắt lợi ích kinh tế của AI. Vào tháng 11/2023, Anh đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI đầu tiên. Trong khi đó, Chính phủ Đức sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số vào ngày 20-21/11 tại Jena, bang Thuringia, quy tụ các đại diện từ chính trị, kinh doanh và khoa học. Ngoài ra, Đức và Italia cũng tổ chức hội đàm về AI tại Berlin vào ngày 22/11 tới.