Trên thực tế, nhiều máy in có thể thêm các nhận diện riêng vào tài liệu in vì mục đích bảo vệ thông tin. Đây là các dấu chấm phụ, giúp nhận diện thiết bị nào đã in tài liệu hay để xác định các tài liệu giả mạo. Điều này sẽ có ích trong trường hợp tài liệu rơi vào kẻ xấu. Cụ thể, trong vụ việc làm rò rỉ tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Agency – NSA) dấu nhận diện này đã giúp buộc tội Reality Winner.
Tuy nhiên, kỹ thuật này đã bị phá bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật tại Dresden, Đức. Tháng 6/2018, tại hội thảo ACM lần thứ 6 của Hiệp hội Máy tính, có chủ đề về ẩn giấu thông tin và an toàn đa phương tiện được tổ chức tại Áo, nhóm tác giả Timo Richter, Stephan Escher, Dagmar Schönfeld và Thorsten Strufe đã trình bày về cách ẩn danh tài liệu in.
Trong bài báo cáo, các nhà nghiên cứu giải thích rằng, họ đã kiểm tra 1.286 tài liệu được in từ máy in của 18 nhà sản xuất khác nhau, tạo ra một thuật toán truy xuất để xác định các kiểu chấm phổ biến. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã khám phá bốn kiểu chấm chưa được phát hiện được mã với 48, 64, 69 và 98 bit.
Việc xác định các kiểu chấm mới là rất quan trọng, vì các dấu chấm này có thể khiến một người có thể bị lộ danh tính bởi máy in của họ. Trừ trường hợp, người dùng sử dụng máy in của hãng Brother, Samsung hoặc Tektronix, bởi máy in của các hãng này không có mã theo dõi.
So với việc truy xuất các dấu chấm, việc làm rối để che giấu là dễ dàng hơn. Bất kỳ ai cũng có thể quét tài liệu và xóa các vùng trống trong trình chỉnh sửa hình ảnh. Sau khi thuật toán nhận diện các kiểu chấm đang sử dụng, phương pháp này sẽ tạo ra một “mặt nạ” bao gồm tất cả các vị trí chấm có thể có trong kiểu chấm đó và thêm các chấm bổ sung phù hợp, nhưng làm cho mã của các dấu chấm không còn có ý nghĩa. Từ đó, loại bỏ được chấm theo dõi trong tài liệu in.
Nhóm nghiên cứu đã phát hành miễn phí công cụ tự động che giấu và làm rối chấm tại dịch vụ lưu trữ mã nguồn GitHub.