Đức siết chặt quản lý các mạng xã hội

14:08 | 13/05/2021

Trong cuộc chiến chống các hành động thù hận và kích động trên mạng Internet, ngày 06/5/2021, Quốc hội Đức đã thông qua Luật Thực thi mạng sửa đổi nhằm tăng quyền lợi của người dùng trong việc nhanh chóng báo cáo các nội dung không phù hợp trên mạng Internet.

Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh, Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho người dùng thực hiện việc báo cáo một cách đơn giản và dễ dàng một khi họ bị đe dọa hoặc bị xúc phạm trên mạng Internet. Với quy định này, các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ phải tạo ra các đường dẫn báo cáo dễ nhận biết và dễ sử dụng.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng yêu cầu các nhà cung cấp mạng phải trang bị biện pháp phản kháng để người dùng có thể phòng vệ bằng việc chặn các nội dung được cho là bất hợp pháp mà không cần kiện tụng.

Người phát ngôn về chính sách kỹ thuật số của nhóm nghị sĩ CDU/CSU Tankred Schipanski cho rằng, Luật sửa đổi sẽ giúp bảo vệ tốt hơn các quyền của những người liên quan trước những phát ngôn thù địch, theo đó Facebook và công ty mạng khác có nghĩa vụ đơn giản hóa các chức năng báo cáo của họ.  

Luật Thực thi mạng được thông qua lần đầu tiên vào năm 2017 và thường được gọi là đạo luật Facebook, áp dụng cho tất cả các nhà khai thác mạng xã hội có trên 2 triệu người đăng ký ở Đức. Luật áp dụng với các mạng xã hội, những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vận hành các nền tảng Internet với mục đích thu lợi nhuận để người dùng bày tỏ hoặc chia sẻ thông tin. Luật yêu cầu các nền tảng xã hội phải có biện pháp chống sự thù hận, thù địch và truyền bá tư tưởng thánh chiến. Tuy nhiên, các dịch vụ liên lạc cá nhân như email hoặc messenger, các mạng chuyên nghiệp, cổng thông tin chuyên dụng, trò chơi trực tuyến và các nền tảng bán hàng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật này.

Nhìn chung, Luật Thực thi mạng sửa đổi yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phải kiểm tra cẩn thận các khiếu nại hay báo cáo và phải xóa bỏ các nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 giờ, các khiếu nại phải được phản hồi chậm nhất trong 48 giờ. Ngoài ra, các công ty phải công bố báo cáo 6 tháng một lần về cách họ giải quyết các khiếu nại. Năm 2019, Facebook đã bị phạt 2 triệu Euro do vi phạm các quy định này.

Theo các quy định của Luật, trong nửa cuối năm 2020, đã có 800.000 lượt khiếu nại về các nội dung có vấn đề trên Twitter, trong khi kênh Youtube là 300.000 khiếu nại, TikTok có gần 250.000 khiếu nại và Facebook có 4.200 khiếu nại. Trong số những nội dung được coi là bất hợp pháp theo Luật, bao gồm cả các hành vi sử dụng tài liệu tuyên truyền hay biểu trưng của các tổ chức vi hiến, nội dung và hình ảnh bạo lực, khủng bố, xúc phạm, đe dọa, tin giả...