Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã có những ứng dụng hữu ích đối với đời sống hiện đại. Nhất là khi dịch đại dịch COVID-19 ngày càng có diễn biến phức tạp, giá trị của hệ thống AI tự học lại càng được nâng cao trong hệ thống y tế. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu.
Nhưng mặt khác, trí tuệ nhân tạo đang vấp phải sự đánh giá trái chiều từ phía dư luận khi cho rằng các hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người, đồng thời công nghệ nhận dạng khuôn mặt bị lạm dụng để giám sát thay vì dùng mở khóa điện thoại đơn thuần. Điều này sẽ phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Do đó, Ủy ban Châu Âu phải xây dựng các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng công nghệ này trong một số lĩnh vực nhạy cảm và ứng dụng riêng lẻ sẽ bị cấm hoàn toàn, theo thông tin tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) vừa đăng tải.
Cụ thể, sẽ không được sử dụng trí tuệ nhận tạo để tác động đến hành vi, ý kiến hoặc quyết định của con người, tránh bị thiệt thòi hoặc tổn hại. Ngoài ra, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện ra những điểm yếu này cho mục đích tương tự hoặc giám sát người khác cũng là hành vi bị cấm.
Ủy ban châu Âu sẽ chính thức đề xuất một dự thảo bao gồm nhiều quy định cụ thể sẽ trực tiếp áp dụng cho tất cả quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Các trường hợp vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt rất cao, khoản tiền phạt áp dụng đối với công ty vi phạm có thể lên tới 4% doanh thu toàn cầu hàng năm.
Tất nhiên, vẫn có ngoại lệ đối với lệnh cấm, nhưng tiền đề là duy trì trật tự công cộng và phải có quy định rõ ràng. Didier Reindale, Ủy viên châu Âu phụ trách luật, cách đây vài ngày đã nhấn mạnh rằng trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố, ít nhất phải có khoảng thời gian ngoại lệ.
Các ứng dụng có rủi ro cao trong lĩnh vực nhạy cảm phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu, trước khi được sử dụng tại thị trường chung châu Âu. Trong đó, bao gồm công nghệ nhận dạng được dùng ở nơi công cộng hoặc việc sử dụng trí thông minh nhân tạo đánh giá mức độ tín nhiệm, thuê hoặc thăng chức cho nhân viên, thu được lợi ích xã hội hoặc theo dõi tội phạm.
Trong tất cả các tình huống trên, con người nên có quyền kiểm soát đối với việc ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng dữ liệu do trí tuệ nhân tạo cung cấp là trung lập, tránh phân biệt đối xử với một số nhóm nhất định.
Theo Ủy ban Châu Âu, danh sách ứng dụng có rủi ro cao sẽ được sửa đổi thường xuyên nhằm đảm bảo các ứng dụng có thể gây ra hậu quả không thể đảo ngược đối với con người trong điều kiện khắc nghiệt sẽ được đưa vào danh sách chung. Mặt khác, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý công việc cũng phải công khai rõ ràng, chẳng hạn như người dùng cần được báo về những robot AI phản hồi trên đường dây nóng không phải là người thật. Tuy nhiên, hiện rất khó để xác định các hành vi gian lận cụ thể trong bối cảnh đó.
Ủy ban Châu Âu cho biết mục đích của các khuyến nghị này là xây dựng niềm tin khi sử dụng trí tuệ nhân tạo và sự an toàn của việc lập kế hoạch kinh tế. Chỉ bằng cách này, EU mới có thể tận dụng được tiềm năng to lớn của mình.
Tất nhiên, dự thảo luật mới cũng vấp phải những lời chỉ trích từ thành viên Nghị viện châu Âu. Nghị sĩ Đảng Xanh Alexandra Gesser nói: “Dự thảo luật này của Ủy ban châu Âu không đủ sắc bén về một số điểm chính”. Ông chỉ ra rằng nếu máy móc đánh giá và quản lý con người thì sự phân biệt đối xử sẽ ở khắp mọi nơi.
Dự thảo luật cần phải nhận được sự chấp thuận từ Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng của Liên minh châu Âu mới có hiệu lực.