Facebook chọn cách khóa tin tức báo chí ở Australia, nói không với dự luật mới

17:01 | 19/02/2021
PV

Với quyết định chặn nội dung tin tức ở Australia, Facebook giải thích: “Dự luật mới hoàn toàn hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các tòa soạn báo. Báo chí vẫn thường chủ động chia sẻ nội dung tin tức trên Facebook”.

Facebook vừa thông báo sẽ chặn nội dung tin tức ở Australia để phản đối dự luật mới của nước này. Theo đó, người dùng Australia hiện giờ không thể đọc, chia sẻ hoặc đăng link nội dung tin tức trên Facebook. Các tòa soạn báo Australia cũng bị hạn chế đăng hoặc chia sẻ bất kỳ nội dung nào trên Facebook Page.

Phản ứng của Facebook trái ngược hẳn với Google. Những ngày qua, Google mang News Showcase đến Australia, ký hợp đồng một cách thuận lợi với các cơ quan truyền thông lớn như Seven West Media hay Nine Entertainment. News Showcase là mô hình trả tiền thu mua tin tức mà Google đã triển khai ở nhiều quốc gia.

Facebook giải thích về sự khác biệt: "Dự luật mới hoàn toàn hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi với các tòa soạn báo. Báo chí vẫn thường chủ động chia sẻ nội dung tin tức trên Facebook. Google Search thì khác về cơ bản, vì các báo không chủ động việc xuất hiện trên kết quả tìm kiếm".

"Facebook vốn đã giúp cho các báo phát triển lượng độc giả, gia tăng doanh thu quảng cáo và tăng lượng thuê bao trả phí", bài viết trên blog của mạng xã hội này khẳng định. Theo Facebook tính toán, năm ngoái nền tảng của họ cung cấp 5,1 tỷ đường dẫn miễn phí cho các tòa soạn báo Australia, trị giá ước tính đạt 317,5 triệu USD.

Thông báo đanh thép của Facebook còn viết: "Thực ra chúng tôi đang chuẩn bị triển khai hệ thống Facebook News ở Australia, cũng như tăng cường đầu tư với báo chí nước này. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ làm vậy nếu hệ thống luật không trở nên vô lý. Điều luật của Australia tạo tiền lệ chưa từng có khi chính phủ can thiệp và quyết định các bên được trả thế nào".

Hiện chính phủ liên bang Australia vẫn có kế hoạch triển khai đạo luật mới, chuẩn bị đưa ra bỏ phiếu thông qua trong một vài tuần tới, dù Google đã chủ động trả phí báo chí theo cách của riêng mình. Rod Sims, thành viên ủy ban chống độc quyền của Australia chia sẻ: “Mục đích là để hỗ trợ vị thế thương lượng không cân sức giữa các cơ quan báo chí Australia với các nền tảng lớn”.

Quyết định hành động của Facebook khiến giới chức Australia bất ngờ ở mức độ nào đó. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Josh Frydenberg, người tham gia đóng góp quan trọng trong xây dựng luật mới, cho biết ông đã có “cuộc thảo luận mang tính xây dựng” với CEO Mark Zuckerberg của Facebook.