Facebook đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm cung cấp các thông tin chính thống về dịch bệnh Covid-19 trên dịch vụ nhắn tin của mình, do mối lo ngại tin giả và sai lệch về dịch bệnh này tiếp tục gia tăng.
Ngày 23/3, Facebook cho biết, hãng sẽ khởi động một chương trình mới để giúp các tổ chức y tế của chính phủ và các cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc hợp tác với các nhà phát triển. Từ đó, họ có thể sử dụng dịch vụ nhắn tin của mạng xã hội này để chia sẻ thông tin chính thống và trả lời câu hỏi của người dân. Đây là giải pháp miễn phí trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.
Thông tin giả, lừa đảo và sai lệch về dịch Covid-19 tiếp tục được lan truyền trên các mạng xã hội, trong đó bao gồm Facebook và Twitter. Các thông tin sai lệch có thể kể đến như: mạng 5G gây ra Covid-19, uống thuốc tẩy có thể chữa bệnh.... Thông tin sai lệch cũng được lan truyền trong các ứng dụng nhắn tin bao gồm WhatsApp do Facebook sở hữu, khiến các mạng xã hội khó tìm kiếm được các loại tin nhắn này. Đồng thời, khi có nhiều người ở nhà và thực thi cách ly xã hội, thì Facebook cũng nhận thấy sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ của hãng, bao gồm dịch vụ nhắn tin.
Chương trình mới này được giới thiệu cùng với ngày mà Bộ Y tế và Bộ Đổi mới của Argentina cho biết, họ sẽ ra mắt trải nghiệm người dùng mới trên Messenger để trả lời các câu hỏi của công chúng và cung cấp các khuyến nghị về dịch Covid-19. UNICEF, Bộ Dịch vụ Y tế Quốc gia, Quy định & Phối hợp của Pakistan và các tổ chức khác cũng đang sử dụng Messenger để cung cấp thông tin về dịch Covid-19.
Facebook cũng hợp tác với nhà cung cấp hackathon Devpost để tạo ra một cuộc thi hackathon trực tuyến, khuyến khích các nhà phát triển xây dựng các công cụ trên nền tảng nhắn tin này, nhằm giải quyết các vấn đề về cách ly xã hội và giáo dục do dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, Facebook đã ra mắt một trung tâm thông tin về dịch Covid-19 mới, sẽ xuất hiện ở đầu News Feed của mỗi người dùng. WhatsApp cũng đã tạo một trung tâm thông tin mới và quyên góp 1 triệu USD để ngăn chặn tin tức giả mạo và thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19.