Trong một nỗ lực đưa internet đến với hàng tỷ người chưa có điều kiện tiếp xúc với mạng toàn cầu ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên thế giới, Facebook mới đây vừa chính thức công bố Connectivity Lab - phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu và tìm cách áp dụng máy bay không người lái, tia laser, máy vệ tinh...để phát internet cho những khu vực này. Connectivity Lab chính là công cụ để Facebook hiện thực hóa dự án Internet.org mà họ từng công bố hồi năm ngoái.
Facebook cho biết, họ có một đội ngũ các kỹ sư đang phát triển một hạm đội các máy bay không người lái dùng năng lượng mặt trời để truyền dẫn tín hiệu internet cho người dân ở những khu vực này. Theo công bố trên trang Internet.org, các máy bay không người lái này có thể tự vận hành ở độ cao 20.000 m trong nhiều tháng liền. Độ cao này cao hơn cả không phận thương mại và là "điểm đỗ" lý tưởng cho máy bay của Facebook bởi nó giúp giảm thiểu các rủi ro do gió và thời tiết gây ra.
Internet.org sẽ sử dụng nhiều loại phương tiện để cung cấp internet cho các khu vực khác nhau. Ở khu vực ngoại thành, Facebook sẽ sử dụng tới các máy bay chạy năng lượng mặt trời có độ bền tốt và tự vận hành được trong nhiều tháng. Cách này dễ triển khai hơn và cho kết nối ổn định. Với các khu vực dân cư thưa thớt hơn, hãng sẽ dùng tới vệ tinh địa tĩnh và vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp.
Để có thể truyền phát internet bằng các phương tiện trên thì phải đề cập tới công nghệ truyền dữ liệu. Facebook cho biết đội phát triển dự án này đang nghiên cứu để cải thiện việc giao tiếp dữ liệu qua không khí. Công nghệ mà Facebook đang phát triển có tên là "giao tiếp quang học không gian tự do" (free-space optical communication - FSO) trong đó, về cơ bản FSO sẽ sử dụng các chùm tia laser hồng ngoại vô hình để truyền dữ liệu giữa máy bay và mặt đất.
Để giải quyết các thách thức của dự án "internet hóa" toàn cầu của mình, Facebook cũng đã thuê các chuyên gia về hàng không vũ trụ của công ty Ascenta – một công ty chuyên sản xuất máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời, cũng như các chuyên gia từ NASA.
Kế hoạch đầy tham vọng này vốn đã được Facebook khởi xướng từ năm 2013, với việc ra mắt dự án Internet.org. Mạng xã hội này muốn liên kết với hàng loạt công ty công nghệ lớn khác như Nokia, Qualcomm, Samsung...để giúp 5 tỷ người dân (2/3 dân số) trên toàn thế giới tiếp cận internet. Đến đầu tháng 3/2014 vừa qua, một số tin đồn nói rằng Facebook sẽ dùng máy bay không người lái để phát internet, và đang muốn mua lại công ty sản xuất máy bay không người lái Titan Aerospace cho mục tiêu này.
Việc dùng máy bay không người lái để truyền phát tín hiệu internet của Facebook nghe chừng khá "mạo hiểm", tuy nhiên trên thực tế cũng đã có những nhóm nhà khoa học chế tạo được máy bay dùng năng lượng mặt trời tương tự như vậy. Điển hình như chiếc Solar Impulse có thể bay được gần 1.600 km - kỷ lục thế giới về khoảng cách đối với các máy bay năng lượng mặt trời. Impulse được trang bị rất nhiều tấm năng lượng mặt trời để lấy năng lượng hoạt động. Các tấm này có thể tích trữ năng lượng giúp máy bay tiếp tục hành trình của nó ngay cả vào ban đêm.
Tuy nhiên, việc đưa kết nối internet tới các khu vực xa xôi hẻo lánh sẽ gặp phải không ít khó khăn và thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề chi phí. Các khu quá hẻo lánh sẽ có quá ít người dùng và không đủ để bù lại chi phí của việc triển khai. Đây là vấn đề mà Internet.org của Facebook, và cả dự án bóng bay của Google, phải đối mặt.