Gartner: Chi tiêu cho ATTT sẽ vượt mức 124 tỷ USD vào năm 2019

08:26 | 15/05/2019

Đây là thông tin được Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Gartner (trụ sở chính tại Mỹ) công bố. Theo đó, trong năm 2019, chi tiêu cho ATTT sẽ tăng thêm 8,7% so với năm 2018.

Cụ thể, vào tháng 8/2019, chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin sẽ vượt mức 114 tỷ USD so với năm 2018 (tăng 12,4% so với năm 2017). Năm 2019, thị trường này sẽ tiếp tục tăng thêm 8,7%, lên tới 124 tỷ USD.

Ông Siddharth Deshpande, Giám đốc nghiên cứu của Gartner cho biết, những nhà điều hành về ATTT đang nỗ lực để tổ chức của mình có thể sử dụng các nền tảng công nghệ một cách an toàn, từ đó có tính cạnh tranh hơn và thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Tình trạng thiếu kỹ năng và các thay đổi về luật pháp như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU đang thúc đẩy sự phát triển không ngừng của thị trường dịch vụ ATTT.

Một khảo sát của Gartner năm 2017 đã cho thấy, 3 nguyên nhân hàng đầu cho chi tiêu ATTT bao gồm: các nguy cơ ATTT, nhu cầu kinh doanh và những thay đổi của ngành công nghiệp. Mối lo ngại về quyền riêng tư cũng đang trở thành một nhân tố quan trọng. Gartner cho rằng, mối lo ngại này sẽ thúc đẩy 10% nhu cầu về các dịch vụ ATTT trên thị trường trong năm 2019 và sẽ tác động lên rất nhiều phân khúc, như quản lý định danh và truy cập, quản trị và điều hành định danh và ngăn chặn mất mát dữ liệu.

Ông Deshpade cho biết, những vụ vi phạm dữ liệu được biết đến rộng rãi như vụ tấn công vào SingHealth xâm phạm hồ sơ sức khỏe cá nhân của 1,5 triệu bệnh nhân tại Singapore, càng khiến việc xem xét các hệ thống dữ liệu và công nghệ thông tin nhạy cảm như cơ sở hạ tầng trọng yếu trở nên quan trọng hơn. Theo ông, việc quản lý ATTT và quản trị rủi ro phải là một phần thiết yếu của bước đầu kinh doanh số.

Sự tập trung ngày một nhiều vào việc xây dựng các khả năng phát hiện và ứng phó với tấn công mạng, các quy định về quyền riêng tư như GDPR và nhu cầu giải quyết những rủi ro về kinh doanh số là những động lực chính cho việc tăng mức chi tiêu đối với lĩnh vực ATTT trên toàn cầu.

Bảng 1: Mức độ chi tiêu cho ATTT trên toàn cầu năm 2017 - 2019 (triệu USD)

Bên cạnh đó, Gartner cũng xác định các xu hướng chủ đạo ảnh hưởng đến chi tiêu cho ATTT giai đoạn 2018 - 2019, bao gồm:

Ít nhất 30% số tổ chức sẽ bỏ tiền vào các dịch vụ tư vấn và triển khai liên quan đến GDPR trong năm 2019.

Các tổ chức đang tiếp tục lộ trình hướng tới việc tuân thủ GDPR với hiệu lực từ ngày 25/5/2018. Triển khai, đánh giá và kiểm toán các quá trình kinh doanh có liên quan đến GDPR được dự báo sẽ là trọng tâm cho chi tiêu dịch vụ ATTT của các tổ chức có trụ sở tại EU và những tổ chức có khách hàng và nhân viên tại khu vực này.

Quản trị rủi ro và mối lo ngại về quyền riêng tư trong những bước đầu chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các tổ chức chi thêm cho dịch vụ ATTT trong năm 2020 lên hơn 40%.

Các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai ATTT trong những năm qua đã củng cố lại các dịch vụ để hỗ trợ các khách hàng trong quá trình chuyển đổi số. ATTT là một yếu tố chủ chốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi đối với việc đảm bảo an toàn dữ liệu, các hoạt động quan trọng và các tài sản trí tuệ được lưu trữ trên đám mây công cộng; an toàn như một dịch vụ (SaaS); sử dụng các thiết bị IoT.

Các dịch vụ (đăng ký và được quản lý) sẽ chiếm ít nhất 50% trong việc phân phối phần mềm ATTT vào năm 2020.

SaaS đang tiến tới vượt qua các biện pháp triển khai tại chỗ, và dịch vụ triển khai các biện pháp lai giữa tại chỗ và đám mây đang thu hút người dùng. Một lượng lớn phản hồi cho khảo sát hành vi mua sắm ATTT của Gartner cho biết có kế hoạch triển khai các công nghệ đảm bảo an toàn cụ thể, như Quản trị ATTT và sự kiện, với loại hình triển khai lai trong vòng 2 năm tới. Các dịch vụ được quản lý sẽ chiếm trung bình 24% hoạt động triển khai.

Theo ông Deshpande, việc triển khai các biện pháp tại chỗ vẫn đang phổ biến nhất, nhưng các biện pháp đảm bảo an toàn trên nền tảng đám mây đang trở thành mô hình phân phối được ưa thích đối với một số công nghệ.

Trước đó, vào tháng 9 và tháng 10/2017, Gartner đã thực hiện một khảo sát về mức độ chi tiêu ATTT trong hiện tại và đã lên kế hoạch. Tổng cộng có 480 phản hồi đã tham gia vào cuộc khảo sát này, đến từ 8 quốc gia bao gồm Australia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ.