Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử

10:41 | 25/03/2022

Chứng cứ trong vụ án hình sự có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội. Hiện nay, các đối tượng phạm tội đã sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc thu thập dữ liệu điện tử để sử dụng làm tài liệu, chứng cứ đấu tranh, xử lý đối tượng là việc làm thường xuyên và rất quan trọng.

CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THU THẬP DỮ LIỆU ĐIỆN TỬ ĐỂ SỬ DỤNG LÀM CHỨNG CỨ ĐIỀU TRA

Theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng như Điều 4 Luật Giao dịch điện tử thì “Dữ liệu (hay dữ liệu điện tử) là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”. Điểm c khoản 1 Điều 87 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ, khi được thu thập theo đúng trình tự thủ tục pháp luật tố tụng hình sự quy định thì có giá trị pháp lý như nguồn chứng cứ khác. Đây là điểm mới mà Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình giải quyết các vụ án có đối tượng sử dụng công nghệ thông tin.

Khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.

Như vậy, theo quy định, dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý như chứng cứ, hồ sơ “truyền thống”, khi đáp ứng được những yêu cầu của luật pháp quy định.

Để phù hợp với Bộ Luật Tố tụng hình sự, điểm k khoản 1 Điều 5 Luật An ninh mạng 2018 đã quy định “Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng” là một trong 13 biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

Trước đó, trong luật Giao dịch điện tử 2005, thông điệp dữ liệu và giá trị pháp lý của thông điệp được quy định từ Điều 10 đến Điều 15, Mục 1 Chương II. Trong đó, dữ liệu điện tử là một trong những hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu. Thông tin trong thông điệp dữ liệu nói chung và trong dữ liệu điện tử nói riêng không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu hay dữ liệu điện tử. Điều 14 quy định, thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ:

1. Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

2. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Ngày 10/9/2012, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQPBTTTT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông - lĩnh vực cơ bản của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong thông tư này xác định dữ liệu điện tử có thể coi là chứng cứ: “Dữ liệu điện tử là thông tin chứa trong phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử có thể coi là chứng cứ. Để bảo đảm giá trị chứng cứ, cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với việc khám xét, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử...”.

Những dữ liệu điện tử hay dữ liệu số trước đây không được xem là chứng cứ. Thông tư này đã mở ra một bước quan trọng để tiến đến thừa nhận chính thức loại chứng cứ điện tử (hay dữ liệu điện tử là chứng cứ). Tuy nhiên chứng cứ chỉ có thể được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự, do đó Thông tư cũng chú ý là cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự đối với việc khám xét, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng có lưu dữ liệu điện tử như: Ổ cứng máy tính, bộ nhớ trong của điện thoại di động, máy đọc thẻ, thẻ từ, thẻ chíp, thẻ nhớ, USB,… và để chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý, dữ liệu điện tử phải được chuyển sang dạng có thể đọc được, nhìn được, nghe được; phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích; kèm theo lời khai, xác nhận của người phạm tội, người làm chứng về những thông tin đó.

Thông tư cũng chỉ rõ “Khi bàn giao cho chuyên gia phục hồi dữ liệu điện tử, phải làm thủ tục mở niêm phong và niêm phong theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm tính nguyên trạng và toàn vẹn của chứng cứ lưu trong vật chứng, việc sao chép dữ liệu để phục hồi, phân tích phải được thực hiện bằng thiết bị “chỉ đọc” (read only), chỉ thực hiện trên bản sao, không được ghi đè, sửa chữa dữ liệu. Để chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý, dữ liệu điện tử phải được chuyển sang dạng có thể đọc được, nhìn được, nghe được; phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử đã phục hồi, phân tích; kèm theo lời khai, xác nhận của người phạm tội, người làm chứng về những thông tin đó”.

Quy định này là cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập, phục hồi và phân tích dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, Điều 5 tại Quy định này mang tính khái quát và định hướng cho hoạt động thu thập vật chứng tại hiện trường vụ án có sử dụng công nghệ cao, mà chưa nêu bật rõ trình tự, thủ tục đảm bảo về mặt pháp lý của hoạt động thu thập, phục hồi và phân tích dữ liệu điện tử của lực lượng chuyên trách.

Những quy định pháp luật trên đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập dữ liệu điện tử để xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng. Tuy nhiên, để dữ liệu điện tử có thể được sử dụng làm chứng cứ, quá trình thu thập, bảo quản, sử dụng phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Do đó, khi tiến hành thu thập dữ liệu điện tử, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành về thu thập dữ liệu điện tử, chuẩn bị kỹ lực lượng, phương tiện tiến hành.

CÁC THUỘC TÍNH CỦA DỮ LIỆU ĐIỆN TỬ ĐƯỢC SỬ DỤNG LÀM CHỨNG CỨ

Để dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ thì bắt buộc phải đảm bảo các thuộc tính sau:

- Tính khách quan: thể hiện ở việc chúng là có thật và tồn tại một cách khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người, không phải do con người suy đoán, nghĩ ra mà có được. Khi đối tượng phạm tội hoặc che đậy dấu vết, các thiết bị điện tử mà đối tượng sử dụng như máy tính, điện thoại di động... có khả năng tạo ra dữ liệu điện tử là các dấu vết cụ thể, tồn tại trong thiết bị lịch sử trình duyệt, địa chỉ IP, file log, nhật ký cuộc gọi... Chúng tồn tại một cách khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, độc lập với suy nghĩ của đối tượng. Những dữ liệu này có giá trị chứng minh, hoàn toàn có thể sử dụng làm chứng cứ.

- Tính liên quan: thể hiện ở việc dữ liệu điện tử phải có mối quan hệ đến vấn đề cần chứng minh của vụ án cũng như các yếu tố khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án đó. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu, địa chỉ lưu trữ, nội dung thông tin, thời gian phạm tội... Trong các vụ án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông nói riêng và trong đấu tranh với các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung, lượng dữ liệu điện tử phát sinh rất lớn. Để việc khai thác thông tin, dữ liệu được tập trung, hiệu quả cán bộ trinh sát, cán bộ điều tra cần chú ý lựa chọn những dữ liệu có giá trị chứng minh để tập trung thu thập, chuyển hóa thành chứng cứ.

- Tính hợp pháp: là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Chứng cứ là dữ liệu điện tử tồn tại trong một nguồn cụ thể và phải do cơ quan có thẩm quyền thu thập, bảo quản, phân tích, đánh giá, sử dụng theo quy trình, thủ tục do pháp luật tố tụng quy định trong cả quá trình khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu dữ liệu điện tử, giám sát, chặn thu trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu; khi sử dụng chứng cứ phải kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập. Vì vậy, trong quá trình khám xét, khám nghiệm hiện trường, khi thu giữ từng thiết bị điện tử như máy tính, máy điện thoại, máy chủ, máy tính bảng, USB, đĩa CD/DVD... phải được ghi cụ thể vào biên bản, chi tiết đến đặc điểm nhận dạng thiết bị; niêm phong theo đúng quy định, để dữ liệu không thể bị can thiệp, tác động làm thay đổi kể từ khi thu giữ hợp pháp. Chuyên gia phục hồi dữ liệu sử dụng thiết bị và phần mềm chuyên dụng phục hồi dữ liệu, như thiết bị chống ghi (Read Only) sao chép dữ liệu điện tử và chỉ sử dụng bản sao này để phục hồi, phân tích, tìm kiếm dữ liệu, chuyển thành dạng đọc được, nghe được, nhìn thấy được. Bản gốc phải được bảo quản theo đúng quy định.

Trong các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám xét, niêm phong, ghi lời khai, bản tường trình phải thể hiện được ba thuộc tính của dữ liệu. Đầy đủ các thành phần được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự phải ký vào tất cả các bản in trên giấy, ảnh, đĩa CD/VCD ghi dữ liệu điện tử, xác nhận về nội dung, hình thức và nguồn gốc tài liệu có liên quan đến vụ án. Đây cũng là điều kiện phải có để chuyển hóa chứng cứ thu được trong giai đoạn trinh sát và xác lập chứng cứ, chuyển dữ liệu điện tử có liên quan thành những văn bản, bút lục, tang vật có thể sử dụng làm chứng cứ.

Dữ liệu điện tử là một loại dữ liệu đặc biệt, có giá trị pháp lý và có thể xuất hiện trong hầu hết tât cả các vụ án, trong tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dữ liệu điện tử lại rất dễ dàng bị thay đổi, ngụy tạo, phá hủy... có thể gây ảnh hưởng lớn tới quá trình điều tra, xác minh. Do đó, để dữ liệu điện tử mang giá trị chứng cứ, việc phát hiện, thu thập, bảo quản, phục hồi, phân tích và chuyển hóa dữ liệu điện tử là những vấn đề trọng tâm, cần hết sức chú ý cả trong nghiên cứu và thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Hình sự 2015;

2. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;

3. Luật Giao dịch điện tử 2005;

4. Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTPBTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

5. Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, NXB Công an nhân dân.

6. PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình (cb), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Sách chuyên khảo).

7. Trần Xuân Thiên An, Điều kiện để dữ liệu điện tử có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Nguyễn Phương Thảo, Quy định về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

9. Trần Văn Hòa (2014), Vấn đề dấu vết điện tử và chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Tạp chí Khoa học và Chiến lược số chuyên đề 12/2014, Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an, Hà Nội.

10. Đinh Phan Quỳnh (2015), Chứng cứ điện tử và các nguyên tắc thu thập trong tố tụng hình sự, cổng Thông tin điện tử của Đại học kiểm sát Hà Nội.

11. Trần Văn Hòa. Chứng cứ là dữ liệu điện tử và chứng minh trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Tạp chí Kiểm sát Số 9-2015.