Giải mã những chiến công của lực lượng cơ yếu

21:22 | 18/06/2024

Vừa qua, Báo Nhân dân đã có bài viết với tựa đề “Giải mã những chiến công của lực lượng cơ yếu”. Tạp chí An toàn thông tin xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Trong các cuộc chiến tranh, mật mã đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể quyết định thắng lợi hay thất bại. Chính vì vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Đảng ta chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã từ Trung ương đến địa phương.

Bài 1: Từ mật lệnh lập nên những chiến công

Trong chặng đường gần 80 năm hình thành và phát triển, ngành cơ yếu Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin liên lạc. Thế nhưng, cũng chính vì đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu cho nên ngay cả những chiến công của ngành cơ yếu dường như cũng được “mã hóa”.

Mệnh lệnh chiến trường

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta có chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã. Ngày 12/9/1945, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của ngành cơ yếu Việt Nam, được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu.

Trong Chỉ thị thành lập Ban Mật mã quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Ban Mật mã là phải: Bảo đảm thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy được thông suốt, bí mật, nhanh chóng, chính xác, kịp thời để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Và trong một lần tới thăm Lớp đào tạo cán bộ mật mã Lê Lai tại rừng Bản Cọ (Yên Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), nói chuyện với cán bộ, học viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết”. Tư tưởng chỉ đạo của Người đối với hoạt động mật mã đến nay vẫn là phương châm, nguyên tắc hoạt động của toàn ngành cơ yếu Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới Thu-Đông và Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào năm 1953;...

Đặc biệt là, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng cơ yếu (khi đó chủ yếu là Phòng Cơ yếu Văn phòng Trung ương Đảng và Phòng Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu) đã bảo đảm truyền đưa các bức điện mật giữa Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch với các đơn vị chiến đấu tại mặt trận và với Liên khu 5, Trung Lào, Hạ Lào, Nam Bộ…

Trong không gian được sắp xếp, bố trí rất trang trọng, khoa học của Bảo tàng ngành cơ yếu Việt Nam, đồng chí Ngô Văn Anh, cán bộ Phòng Tuyên huấn và Thi đua, khen thưởng Ban Cơ yếu Chính phủ giới thiệu cho chúng tôi về điện mật lệnh tổng công kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tối 6/5/1954 của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Lực lượng cơ yếu đã sử dụng kỹ thuật mật mã để mã hóa và truyền đi bức điện với nội dung:

“1. Thời gian quy định đúng 8 giờ 30, không được chậm(1).

2. Đến 8 giờ rưỡi thì:

a/ Đồi A1 bộc phá.

b/ Pháo và H6(2) bắn tập kích lần thứ nhất.

c/ Bộ binh các hướng đều xung phong.

d/ Hàng Cung(3) lập tức chế áp pháo địch.

3. Các nơi phải lấy giờ cho đúng.

8 giờ 15.

Ngọc(4).”

(1) - 8 giờ 30; (2) - H6 là mật danh của hỏa tiễn 6 nòng do Trung Quốc viện trợ; (3) - Tên địa danh Hồng Cúm; (4) - Ngọc là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây là mệnh lệnh tổng công kích đợt cuối quyết định thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để ngay ngày hôm sau, vào lúc 19 giờ ngày 7/5/1954, trực tiếp đồng chí Nguyễn Hữu Thuận, Tổ trưởng Cơ yếu, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mã hóa và chuyển bức điện của Tư lệnh Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: “17 giờ 30 phút ngày 07 tháng 5, ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng”.

Cùng với mật lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi còn được giới thiệu một số bức điện mật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, trong đó có điện mật đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, điện mật đi của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” hay điện mật đến của Trung tướng Lê Trọng Tấn về việc quân ta đã vào Sài Gòn chiếm lĩnh Dinh Độc Lập...

Đáng chú ý, cuốn Thư vào Nam do Nhà xuất bản Sự thật xuất bản năm 1985 được trưng bày tại Bảo tàng Cơ yếu chính là tập hợp thư và một số điện mật được gửi vào chiến trường miền nam. Đây được coi là tập sử liệu nói lên tầm quan trọng của ngành cơ yếu trong việc bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khẳng định về vai trò của ngành cơ yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tại Hội nghị Cơ yếu toàn quốc tổ chức tại Hà Nội tháng 6/1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: Trong mấy chục năm qua, chúng ta đánh giặc, chúng ta nắm được và biết chắc được là những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta đều không bị lộ, các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi... Ngành cơ yếu là một ngành rất quan trọng, phải đưa ngành tiến lên hiện đại nhưng hàng ngũ phải thật trong sạch, chế độ công tác phải rất chặt chẽ.

Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm cho biết thêm: Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, lực lượng cơ yếu sử dụng kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã, thực hiện chế độ công tác nghiêm ngặt, không ngại khó khăn, gian khổ, trực bảo đảm 24/24 giờ trong ngày, mã hóa/giải mã kịp thời, chính xác hàng triệu bức điện từ cấp độ mật đến tuyệt mật. Và không một chiến dịch nào, một trận đánh lớn nào không có sự phục vụ của một đội quân thầm lặng (cơ yếu) để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp chiến đấu.

Những hy sinh thầm lặng

Tại Hội nghị Cơ yếu toàn quân lần thứ 9 ngày 25/3/1952 tại Việt Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát biểu: Các đồng chí làm công tác mật mã là những chiến sĩ vô danh, hữu xạ tự nhiên hương. Các đồng chí phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của giai cấp, của Đảng, vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, toàn ngành cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sĩ hy sinh, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay kẻ thù như: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chuẩn úy Nguyễn Văn Giai, Tổ trưởng Cơ yếu V4/49, Tình báo Miền hy sinh ngày 26/12/1968; liệt sĩ Hồ Minh Khẩn, cơ yếu tình báo công tác tại vùng địch hậu bị sa vào tay địch nhưng không hề cung khai bí mật và anh dũng hy sinh năm 1966; hay chín cán bộ, chiến sĩ cơ yếu Quân khu Sài Gòn-Gia Định hy sinh trong một trận đánh bom của địch tại ấp An Thành, xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cũng trong năm 1966...

“Sự hy sinh” cũng là cụm từ được Phó Cục trưởng Chính trị-Tổ chức Khúc Hữu Mạnh nhắc đến nhiều trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Đồng chí Mạnh chia sẻ: Sự hy sinh của cán bộ, nhân viên ngành cơ yếu không chỉ trong chiến tranh mà còn cả trong thời bình. Mỗi cán bộ, nhân viên cơ yếu luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữ bí mật thông tin, bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu, kể cả khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Hay trong câu chuyện xúc động của một người phụ nữ 63 tuổi khi bà tìm kiếm giấy tờ về người mẹ đã mất mới phát hiện ra mẹ từng tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi, vào Đảng lúc 16 tuổi, từng là Trung đội phó Phòng Mật mã Bộ Tổng Tư lệnh, cán bộ Phòng Cơ mật Bộ Tư lệnh Việt Bắc... “Những người lính cơ yếu phải giữ bí mật tuyệt đối ngay cả với chính người thân của mình. Ngoài bản lĩnh, sự kiên trung với Tổ quốc thì chúng tôi luôn phải tuân thủ quy tắc bí mật nghề nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ”, Trưởng phòng Tuyên huấn và Thi đua, khen thưởng Lê Hồng Huy nhấn mạnh.

Giới thiệu thêm về những bản in chữ chì và chữ nhựa, những kỷ vật của ngành cơ yếu, một cán bộ tuyên huấn còn kể với chúng tôi những mất mát, hy sinh thật sự xót xa: Trước đây, nhiều đồng chí nữ làm công việc in mật mã không có khả năng làm mẹ do nhiễm chì bởi tiếp xúc với các bản in chữ chì rất độc hại. Sau này, bản in bằng chữ chì được thay thế bằng bản in chữ nhựa, vừa giảm độc hại vừa giải phóng sức lao động nhưng đó là một hành trình dài trước khi ngành cơ yếu từng bước làm chủ kỹ thuật, công nghệ mật mã hiện đại như hiện nay.

Tại hội nghị làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ ngày 25/3 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng yêu cầu Ban cần tập trung chuyển đổi số, nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý kỹ thuật nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia... Ban Cơ yếu cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật an toàn thông tin, duy trì nghiêm kỷ luật, quy chế làm việc...

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu bảo đảm thông suốt, bí mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nỗ lực tập trung nguồn lực, tự chủ, nghiên cứu, sản xuất và trang bị gần 10.000 hệ thống máy mã chuyên dụng cho 3.400 tổ chức cơ yếu các cấp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống.

 

Bài 2: Chặng đường vẻ vang

 

Ngành cơ yếu Việt Nam đã trải qua các giai đoạn rất khốc liệt, các cuộc đấu trí, đấu lực giữa một bên là nền khoa học kỹ thuật mật mã Việt Nam non trẻ với các thế lực đế quốc, thực dân hùng mạnh về kỹ thuật, trang thiết bị thu tin, mã thám tinh vi, hiện đại. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, kỹ thuật nghiệp vụ mật mã Việt Nam dưới bàn tay, khối óc của những người làm công tác cơ yếu đã bảo đảm độ tin cậy, bí mật tuyệt đối, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù để giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ngày gian khó

Một trong những người đầu tiên được giao làm công tác mật mã ở Bộ Tổng Tham mưu là đồng chí Tạ Quang Đệ (1913-1999) hay còn gọi là Quang Đạm, nhà báo, nhà trí thức cách mạng, một trong những cây đại thụ thuộc thế hệ đầu tiên của Báo Nhân Dân.

Ông là người luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Thế nhưng, có lẽ không nhiều người nắm được thông tin ông từng làm Đạo trưởng trong phong trào hướng đạo sinh ở Thanh Hóa và được đồng chí Hoàng Đạo Thúy (Trưởng phòng Thông tin liên lạc, Bộ Tổng Tham mưu) giới thiệu, nhận về để giữ nhiệm vụ Bí thư Phòng Thông tin liên lạc chuyên phụ trách mật mã.

Trong hồi ký của đồng chí Tạ Quang Đệ có kể về việc chọn người làm mật mã thời gian đầu, như sau: Trong lúc nhận công tác mật mã, ngay bản thân mật mã là gì, chính tôi cũng không rõ, còn nói gì đến việc chọn người làm mật mã như thế nào… Đến khi nghĩ ra cách lấy chữ giả thay chữ thật, có thể dùng điện (cả hữu tuyến và vô tuyến) để liên lạc được, tôi mới dứt khoát đặt vấn đề tìm người vào làm mật mã với tôi.

Từ những ngày nhiều khó khăn như vậy nhưng những người làm công tác mật mã với ý chí tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo đã luôn nỗ lực vượt qua gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách, như: Đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong chặng đường hình thành và phát triển đó, những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, nhân viên cơ yếu đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao.

Từ những ngày nhiều khó khăn như vậy nhưng những người làm công tác mật mã với ý chí tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo đã luôn nỗ lực vượt qua gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách.

Đến nay, ngành Cơ yếu Việt Nam đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng (năm 2005), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và năm 2015); 22 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động…

Kế thừa và phát huy truyền thống

Đồng chí Khúc Hữu Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Chính trị - Tổ chức cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đối phương đều thừa nhận về sự sáng tạo, nghệ thuật bảo vệ bí mật thông tin của ta. Chẳng hạn, theo tài liệu giải mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố năm 2007, năm 1961, những nhà phân tích trong NSA rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ về trình độ mật mã của miền bắc Việt Nam…

Cho đến năm 1975, ngành cơ yếu của ta đã huy động một lực lượng cán bộ, nhân viên, phương tiện, tài liệu và các trang thiết bị kỹ thuật mật mã khổng lồ với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn các thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các ngành, các cấp, các địa phương tới toàn quân, toàn dân, đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà tới thắng lợi hoàn toàn.

Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm hơn 960 nghìn chứng thư số các loại cho các bộ, ngành, địa phương, phục vụ triển khai Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để ký số và bảo mật hơn 86 triệu căn cước công dân, hơn 1 triệu hộ chiếu gắn chíp điện tử; triển khai hơn 120.000 sản phẩm mật mã cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm toàn vẹn, chống sao chép, chống giả mạo dữ liệu công dân lưu trên chíp điện tử…

Đối với lĩnh vực ngoại giao, ngành cơ yếu từng gây ấn tượng mạnh với quốc tế khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo mật thông tin phục vụ cho hai đoàn đàm phán của ta ở Hội nghị Paris ròng rã suốt 5 năm giữa lòng thủ đô nước Pháp.

Chung quanh nơi ở của đoàn đàm phán của chúng ta lúc đó dày đặc các thiết bị kỹ thuật thu tin, do thám của đối phương nhưng mọi đối sách của ta trên bàn hội nghị đều gây cho họ bất ngờ.

Việc bảo mật tuyệt đối thông tin của Đảng, Nhà nước chỉ đạo đoàn đàm phán ta tại Hội nghị Paris là minh chứng rõ ràng cho kỹ thuật mật mã Việt Nam cũng như nghệ thuật quản lý, chỉ đạo sử dụng cơ yếu và kỹ thuật mật mã.

Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đạt nhiều thành tích trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ huy và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới trong phục vụ chiến đấu, huấn luyện và công tác.

Trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực tự cường, nâng cao trình độ khoa học mật mã ngang tầm khu vực và tiếp cận thành tựu thế giới; các công nghệ và thiết bị mật mã của ngành cơ yếu Việt Nam được tạo ra có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng tương đương với công nghệ hiện có trong nước và khu vực. Ngành cơ yếu đã đầu tư về toán học cho khoa học mật mã để sáng tạo ra những thuật toán mật mã an toàn, có trình độ tiệm cận các nước phát triển trên thế giới và đây là mũi nhọn đột phá về khoa học, kỹ thuật mật mã hiện đại.

Theo số liệu báo cáo của Ban Cơ yếu Chính phủ, đơn vị đã triển khai bảo mật cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với số lượng, chủng loại tăng hơn 400% so với giai đoạn trước năm 2013.

Đáng chú ý, Ban bảo đảm hơn 960 nghìn chứng thư số các loại cho các bộ, ngành, địa phương, phục vụ triển khai Đề án 06, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để ký số và bảo mật hơn 86 triệu căn cước công dân, hơn 1 triệu hộ chiếu gắn chíp điện tử; triển khai hơn 120.000 sản phẩm mật mã cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm toàn vẹn, chống sao chép, chống giả mạo dữ liệu công dân lưu trên chíp điện tử…

“Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, trong nước cũng như khi ở nước ngoài, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có lối sống trong sạch, giản dị, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm kỷ luật, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành cơ yếu Việt Nam; có tinh thần trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm cho biết.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam, cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ và toàn ngành cơ yếu luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm; vượt qua mọi khó khăn, thử thách; lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc; xây dựng ngành cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại; phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17/6/2024.

Để lại bình luận