Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong Ban; về phía Kho bạc Nhà nước có đồng chí Đặng Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc KBNN và đại diện một số cơ quan chức năng chuyên trách về CNTT của Bộ Tài chính (Cục Tin học và thống kê tài chính, Cục CNTT – KBNN, Cục CNTT- Tổng cục thuế, Cục CNTT- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Kho bạc Nhà nước
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã báo cáo tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ hệ thống KBNN trong thời gian qua. Đối với ngành Tài chính, Ban Cơ yếu Chính phủ xác định đây là cơ quan cần có sự ưu tiên hàng đầu, nên đã tích cực hỗ trợ tổ chức hội thảo, đào tạo, huấn luyện triển khai sử dụng; thiết lập hạ tầng, xây dựng các phần mềm ứng dụng, thiết lập phương án trao đổi thông tin, thường xuyên hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sử dụng, đáp ứng yêu cầu và tính chất đặc thù trong giao dịch điện tử của ngành tài chính. Đối với hệ thống KBNN, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin (CNTT), KBNN để tham mưu giúp Lãnh đạo KBNN triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong giao dịch điện tử phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của hệ thống KBNN.
Tính đến hết năm 2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã sản xuất, cung cấp hơn 5000 chứng thư số và gia hạn hơn 1200 chứng thư số cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống KBNN. Công tác đảm bảo, cung cấp được đảm bảo chặt chẽ và đáp ứng được yêu cầu của KBNN. Đặc biệt, để đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng chứng thư số, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao năng lực cho hoạt động bảo đảm cung cấp thông qua việc đưa vào triển khai Hệ thống thông tin điện tử hóa quy trình đăng ký cấp, gia hạn, thu hồi, thay đổi thông tin chứng thư số. Hệ thống đã được triển khai tại Cục CNTT, KBNN và bước đầu phát huy được hiệu quả trong thực tế.
Về giải pháp triển khai trong thời gian tới, các cơ quan đơn vị thuộc hệ thống KBNN tiếp tục thực hiện theo Thông tư 08/2016/TT-BQP, trong đó giao Cục CNTT, KBNN là đơn vị tiếp nhận hồ sơ đăng ký, quản lý, cấp phát chứng thư số. Sau khi Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP có hiệu lực, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ phối hợp với KBNN để xây dựng quy trình quản lý, cấp phát cho KBNN; Tăng cường ứng dụng Hệ thống thông tin điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký, quản lý, cắt giảm văn bản giấy tờ truyền thống, tiến tới thay thế hoàn toàn văn bản giấy.
Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách không thuộc Hệ thống KBNN, có nhu cầu giao dịch với KBNN qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ có quy trình cấp phát chứng thư số được quy định cụ thể trong Nghị định thay thế nghị định số 26/2007/NĐ-CP theo hướng giảm các khâu trung gian không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ cung cấp chứng thư số, thay thế cho quy trình quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BQP.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc KBNN mong muốn phối hợp tốt hơn nữa trong việc huấn luyện, đào tạo KBNN các cấp sử dụng hệ thống thông tin điện tử hóa quy trình đăng ký, cấp phát chứng thư số. Cục CNTT, KBNN sẽ làm đầu mối xử lý, triển khai giải pháp cung cấp chứng thư số cho các đơn vị sử dụng không thuộc hệ thống KBNN; Sử dụng hệ thống thông tin để thực hiện tiếp nhận các yêu cầu đăng ký, cấp phát, gia hạn, hủy bỏ chứng thư số của các đơn vị sử dụng ngân sách và chuyển sang Ban Cơ yếu Chính phủ xử lý; Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ triển khai, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Đăng Đào đã đánh giá cao kết quả làm việc giữa hai bên trong giai đoạn vừa qua. Đồng chí chỉ đạo trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh quy trình điện tử hóa, đặc biệt phối hợp với các thuê bao trên kênh truyền thông qua các Sở thông tin và truyền thông các tỉnh để giảm thiểu thời gian kết nối. Đồng chí mong muốn hai bên sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy ứng dụng chữ ký số hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả tốt nhất cho dịch vụ công điện tử của KBNN.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và thống nhất về việc triển khai chữ ký số trên thiết bị di động trong thời gian tới. Giải pháp ký số trên thiết bị di động sử dụng sim PKI là một sản phẩm được nghiên cứu phát triển bởi Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, sản phẩm đã được thử nghiệm tại một số đơn vị đạt kết quả tốt. Hiện nay sản phẩm đang được Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm định trước khi đưa vào triển khai cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có hệ thống KBNN.