Cuộc thi tuyển chọn thuật toán AES
Năm 1997, Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST) công bố cuộc thi mở rộng cho thuật toán mã hóa cải tiến mới với tên gọi AES (Advanced Encryption Standard). Cuộc thi này đã thu hút được 15 ứng viên mã khối từ 50 nhà mật mã học toàn cầu và sau đó công bố đánh giá an toàn công khai cùng với đánh giá hiệu năng. Kết thúc cuộc thi này, NIST đã lựa chọn thuật toán Rijndael làm thuật toán AES.
Cuộc thi AES được xem là bước khởi động cho cộng đồng mật mã thế giới để hiểu về mã khối và tăng sự tin cậy cho độ an toàn của các thuật toán mã khối.
Hai nhà mật mã thắng cuộc của cuộc thi AES
Cuộc thi eSTREAM
Năm 2004, ECRYPT - một mạng lưới được tài trợ bởi Liên minh châu Âu, đã thông báo dự án mã dòng ECRYPT có tên gọi eSTREAM. Dự án này được triển khai để kêu gọi các ứng viên tham gia với các thuật toán mã dòng mới rộng rãi, phù hợp cho các ứng dụng hơn. Cuộc thi này thu hút 34 thuật toán mã dòng từ 100 nhà mật mã học toàn cầu. Các đánh giá an toàn và đánh giá hiệu năng cho mỗi thuật toán đều được công bố công khai. Cách thức tiến hành này tương tự như cuộc thi AES nhưng cuộc thi do ECRYPT tổ chức có quy mô lớn hơn. Kết thúc cuộc thi, tháng 9/2011, eSTREAM đã chọn ra hai danh sách các thuật toán thắng cuộc. Một danh sách dành cho các thuật toán thực thi phần mềm gồm bốn thuật toán: HC-128, Rabbit, Salsa20/12, SOSEMANUK và một danh sách cho thực thi trên phần cứng gồm ba thuật toán: Grain, MICKEY, Trivium.
Cuộc thi tuyển chọn thuật toán SHA-3
Năm 2007, NIST đã công bố cuộc thi mở rộng cho thuật toán hàm băm mới là SHA-3. Cuộc thi này thu hút 64 hàm băm ứng viên từ 200 nhà mật mã học toàn cầu. Sau khi các đánh giá an toàn và đánh giá hiệu năng được công bố, NIST đã lựa chọn Keccak làm thuật toán SHA-3.
Cuộc thi CEASAR
Cuộc thi CEASAR bắt đầu khởi động từ năm 2012, đến ngày 15/01/2013 cuộc thi được chính thức thông báo tại hội thảo Early Symmetric Crypto (Mondorf - les - Bains, Luxemburg), cũng như thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Một điểm thú vị là tên cuộc thi lần này trùng với tên hoàng đế La Mã Julius Ceasar, người đã sáng chế ra mã pháp Ceasar - một trong các phương pháp mã hóa đầu tiên của loài người.
Ban giám khảo cuộc thi gồm những nhà mật mã học nổi tiếng thế giới như: Daniel Bernstein (Đại học tổng hợp Ilinois, Chicago), Alex Biryukov (đại học Luxemburg), Joan Daemen (ST Microelectronics, Bỉ), Vincent Rijmen (Bỉ), Philip Rogaway (đại học California),....
Thời hạn cuối cùng mà Ban tổ chức đưa ra để nhận các thuật toán của các ứng viên cho vòng thứ Nhất là ngày 15/03/2014. Trong vòng hơn một năm kể từ ngày công bố về cuộc thi, đã có 56 thuật toán của nhiều tác giả khác nhau được gửi về Ban tổ chức.
Thông qua các vòng đánh giá, xét duyệt, ngày 07/7/2015, Ban tổ chức đã thông báo danh sách 28 thuật toán ứng cử được vào vòng 2.
Kết thúc vòng 2, ngày 15/8/2016, Ban tổ chức đã thông báo các thuật toán tham gia được vào vòng 3 của cuộc thi CEASAR bao gồm: ACORN, AEGIS, AES-OTR, AEZ, Ascon, CLOC and SILC, COLM, Deoxys, JAMBU, Ketje, Keyak, MORUS, NORX, OCB, Tiaoxin.
Dự kiến vào ngày 15/12/2017, Ban tổ chức sẽ chính thức công bố danh sách các thuật toán trúng tuyển của cuộc thi CEASAR.