Tham gia Đoàn công tác có đại diện Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu Bộ Công an; Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu Văn phòng Trung ương Đảng; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ: Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền; Cục Chính trị - Tổ chức, Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, về phía Tỉnh ủy Hà Giang có đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; tại Tỉnh ủy Tuyên Quang có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; tạị Tỉnh ủy Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Văn Đức, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Phú Thọ
Nội dung các buổi làm việc tập trung đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56; Kết quả phối hợp giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và các tỉnh trong triển khai nhiệm vụ về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, lực lượng vũ trang của các tỉnh trong thời gian qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, nổi bật là:
Tỉnh ủy Hà Giang
Các tổ chức cơ yếu trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp về công tác cơ yếu; duy trì vững chắc hệ thống kỹ thuật mật mã, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực nghiệp vụ; Thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Cùng với đó làm tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng phương tiện kỹ thuật mật mã; Chú trọng xây dựng các tổ chức cơ yếu vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, chỉ huy các cấp tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên công tác cơ yếu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo mật thông tin lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (bên trái) tặng Biểu trưng ngành Cơ yếu cho Tỉnh ủy Hà Giang
Tỉnh ủy Tuyên Quang
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu trên địa bàn tỉnh kịp thời quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin, trọng tâm là Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Luật Cơ yếu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu đã quan tâm bảo đảm tốt cơ sở vật chất, nguồn lực cho hoạt động cơ yếu. Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ kỹ thuật về công tác cơ yếu, bảo mật thông tin, sử dụng sản phẩm mật mã được duy trì thường xuyên. Đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu trên địa bàn tỉnh có lập trường, tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng vận hành, khai thác tốt các loại hình, phương tiện nghiệp vụ kỹ thuật mật mã.
Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, đề xuất với Ban Cơ yếu Chính phủ và các hệ Cơ yếu một số nội dung, cụ thể: Sớm ban hành quy định quản lý, sử dụng điện mật gửi qua cơ yếu; hướng dẫn xây dựng quy chế phối hợp đối với các lực lượng cơ yếu trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong hoạt động công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin; tiếp tục hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang….
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt coi trọng công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ ngành Cơ yếu, đảm bảo ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Tỉnh ủy Tuyên Quang
Tỉnh ủy Phú Thọ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nắm vững những nội dung, quan điểm và các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 26/12/2018 về “Triển khai hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên giao diện web có tích hợp chữ ký số và giải pháp bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ”; Quyết định số 430-QĐ/TU ngày 14/10/2021 ban hành “Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước Tỉnh ủy Phú Thọ”...
Các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về công tác cơ yếu thông qua các đợt tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cơ yếu hàng năm hoặc các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã; Việc triển khai, quản lý sản phẩm mật mã được thực hiện chặt chẽ, khoa học, thống nhất, đảm bảo tính phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức cơ yếu. Công tác triển khai các giải pháp, sản phẩm bảo mật cho các đơn vị, cá nhân ngoài lực lượng cơ yếu được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật và ngành Cơ yếu.
Tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị, đề xuất với Ban Cơ yếu Chính phủ, các hệ Cơ yếu tiếp tục hướng dẫn việc đưa nội dung quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, huấn luyện, tổ chức các hội thi nghiệp vụ cơ yếu; tiếp tục trang bị, triển khai các giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống cơ yếu, hệ thống công nghệ thông tin, mạng máy tính nội bộ, các thiết bị lưu giữ an toàn, phần mềm quét mã độc, hệ điều hành, phần mềm có bản quyền....
Qua nghe báo cáo của các Tỉnh ủy, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cơ yếu; đồng thời đưa ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cơ yếu trên địa bàn tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Phát biểu tại các buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các Tỉnh ủy đối với công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin tại địa phương. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng cũng đề nghị các Tỉnh ủy tiếp tục triển khai Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ về chiến lược phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, các quy định của pháp luật về cơ yếu cho các cơ quan, tổ chức của tỉnh, thống nhất nhận thức các chủ trương của Đảng về cơ yếu trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo mật an toàn thông tin, các quy định của pháp luật liên quan về soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa thông tin bí mật nhà nước trên không gian mạng.
Đồng thời, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, triển khai đồng bộ thống nhất mạng liên lạc cơ yếu tại các thành ủy, thị ủy, huyện ủy; triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ, phối hợp đánh giá, giám sát an toàn thông tin. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu duy trì công tác kiểm tra cơ yếu cấp dưới, quản lý sử dụng sản phẩm mật mã, các hệ thống công nghệ thông tin có tích hợp giải pháp bảo mật cơ yếu theo đúng quy trình khai thác, vận hành bảo đảm tuyệt đối bí mật, chính xác. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân cơ yếu của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang, Viện Kiểm sát nhân dân phải chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy, lãnh đạo về công tác bảo mật, an toàn thông tin trong đơn vị mình.
Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ và các Tỉnh ủy thống nhất hoàn thiện, ký biên bản làm việc làm cơ sở để phối hợp triển khai các nội dung về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.