Hoàn thành tuyến cáp quang nhanh nhất thế giới

15:28 | 28/09/2015

Cáp quang Hibernia Express bắt đầu được sử dụng để truyền dữ liệu với tốc độ nhanh nhất thế giới vào ngày 19/9.


Sơ đồ tuyến cáp quang mới (xanh dương) và cáp cũ (xanh lục) dưới đáy Đại Tây Dương 

Đây là tuyến cáp ngầm đầu tiên được lắp đặt ở hành lang biển nối giữa London (Anh) và New York (Mỹ) sau hơn một thập kỷ. Khi đưa vào sử dụng, các giao dịch của thị trường tài chính giữa hai thành phố sẽ được thực hiện ở tốc độ cao nhất từ trước tới nay.

Hibernia Networks - chủ đầu tư dự án lắp đặt cáp quang trị giá 300 triệu USD, tuyên bố việc lắp đặt tuyến cáp đã hoàn thành vào ngày 15/9. Bjarni Thorvardarson, Giám đốc điều hành của Hibernia Networks cho biết, hệ thống cáp dài hơn 4.500 km này sẽ truyền tải thông tin giữa hai bên bờ đại dương với thời gian dưới 59,9 phần nghìn giây, nhanh hơn cáp quang tốc độ cao nhất hiện nay 5 phần nghìn giây.

Tuyến cáp quang AC-1, nối giữa Mỹ và ba nước châu Âu là Anh, Hà Lan, Đức với thời gian truyền tải 64,8 phần nghìn giây là hệ thống cáp có tốc độ nhanh nhất đang được sử dụng hiện nay.

Một phần của hệ thống cáp mới sẽ rẽ nhánh sang Cork, Ireland, nơi các công ty công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Google đặt các trung tâm dữ liệu trong vài năm gần đây. Thorvardarson hy vọng hệ thống cáp mới với tốc độ cao sẽ giúp Cork và các vùng lân cận trở thành địa điểm lý tưởng cho các công ty đặt các trung tâm dữ liệu hoặc trụ sở mới.

Cáp được cấu tạo bởi 6 cặp sợi quang, trong đó một cặp phụ trách việc truyền tải thông tin ở tốc độ cao nhất có thể, 4 cặp chịu trách nhiệm truyền tải các dữ liệu lớn. Theo Thorvardarson, thậm chí các kỹ sư của dự án còn tối ưu hóa tốc độ từng phần nghìn giây bằng cách đặt cáp chính xác uốn theo độ cong của Trái Đất, là đường ngắn nhất nối giữa hai điểm đầu cuối trên đất liền là London và Halifax (thủ phủ của tỉnh Nova Scotia Canada). Dữ liệu tới Halifax sau đó sẽ được truyền tới New York bằng cáp đặt trên đất liền.


Cấu tạo cáp mới của cáp quang Hibernia Express