Theo Báo cáo đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc, đến năm 2018, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, tăng 01 bậc so với năm 2016, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn như: xếp hạng về CPĐT còn thấp trong ASEAN, chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) giảm 10 bậc so với năm 2016, xuống hạng thứ 100/193 quốc gia; đặc biệt, còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm, bảo mật, an toàn, an ninh thông tin thấp, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT vẫn còn vướng mắc; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo: Kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới; Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, thành viên Ủy ban Quốc gia về CPĐT tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển thành công CPĐT Việt Nam; Đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Dựa trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương; Gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước; Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng, phát triển CPĐT.
Từ đó Chính phủ đưa ra mục tiêu phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến năm 2025, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về xếp hạng CPĐT.
Trong đó có các chỉ tiêu cụ thể, chủ yếu sau:
Giai đoạn 2019 - 2020:
- 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin CPĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt.
- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên;
- Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4;
- 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử....
Giai đoạn 2021 - 2025:
- 100% Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- 40% người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống CPĐT….
- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công tực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên…
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Nghị quyết 17/NQ-CP cũng đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể bao gồm:
1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT;
2. Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới;
3. Xây dựng, phát triển CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số;
4. Xây dựng CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân;
5. Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng CPĐT;
6. Thiết lập cơ chế bảo đảm khả thực thi.
Để thực hiện tốt các vấn đề trên, Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai. Trong đó, Ban Cơ yếu Chính phủ được giao triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm: Xây dựng Đề án triển khai các hệ thống bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước dùng mật mã đáp ứng yêu cầu triển khai CPĐT, hoàn thành trong tháng 7/2019; Triển khai giải pháp liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 5/2019; Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2020, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết 17/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 07/03/2019.