Theo báo cáo của tổ chức ISC2, toàn cầu hiện thiếu khoảng 3 triệu chuyên gia an toàn thông tin, trong đó riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thêm 2 triệu chuyên gia mới đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê trong nước chỉ có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin năm 2020, trong khi đến năm 2021, nhu cầu nhân lực Ngành này đã lên tới 700.000.
Học viện Kỹ thuật mật mã là trung tâm đào tạo trình độ cao của ngành Cơ yếu Việt Nam, với bề dày hơn 45 năm xây dựng và phát triển. Đây là một trong các đơn vị có vai trò hết sức quan trọng, góp phần giúp Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực an toàn thông tin tại Việt Nam, vai trò đào tạo của Học viện Kỹ thuật Mật mã ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc để bảo đảm nền tảng an toàn, an ninh mạng quốc gia cũng như đòn bẩy, thúc đẩy tiến tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Để quý vị khán giả có thể hiểu rõ hơn về công tác đào tạo và tuyển sinh của Học viện Kỹ thuật mật mã, Tạp chí An toàn thông tin đã mời Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ tham dự buổi tọa đàm với chủ đề: “Học viện Kỹ thuật mật mã: Chiến lược đào tạo và tuyển sinh trong giai đoạn mới”. Buổi Tọa đàm trực tuyến đã được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên website antoanthongtin.vn.
Dưới đây là nội dung của buổi Tọa đàm:
Tọa đàm trực tuyến “Học viện Kỹ thuật mật mã: Chiến lược đào tạo và tuyển sinh trong giai đoạn mới”
Phóng viên: Trước hết, ông có thể chia sẻ sơ lược những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nói chung và tuyển sinh nói riêng năm 2022 của Học viện?
Ông Hoàng Văn Thức: Quả thật nếu chỉ nhìn vào năm 2022 thì khó có thể thấy hết bức tranh tổng thể về kết quả công tác tuyển sinh của Học viện Kỹ thuật mật mã. Có thể khẳng định trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của Học viện đã có những kết quả nổi bật, năm sau ấn tượng hơn năm trước cả về chất lượng đầu vào và phương pháp, cách thức, sự chuyên nghiệp của hoạt động tuyển sinh.
Những thành công đó trước hết phải kể đến sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, trong đó có chủ trương tập trung ưu tiên các nguồn lực cho công tác đổi mới và phát triển đào tạo tại Học viện Kỹ thuật mật mã. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh đại học cũng ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động, linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh. Cùng với đó, nhu cầu lớn về nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT), công nghệ thông tin (CNTT) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đã tạo lợi thế thu hút nguồn đầu vào đối với các cơ sở giáo dục đào tạo về công nghệ, trong đó có Học viện Kỹ thuật mật mã.
Điểm nổi bật trong công tác tuyển sinh năm 2022 của Học viện chính là sự thu hút, quan tâm rất lớn của các bậc phụ huynh và các em học sinh về chuyên ngành đào tạo và chất lượng đào tạo của Học viện. Thể hiện rõ nét ở số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh, điểm chuẩn đầu vào của các nhóm ngành đào tạo đại học tiếp tục tăng, nằm trong nhóm top đầu của các trường đào tạo về lĩnh vực công nghệ năm 2022 phổ điểm đầu các ngành vào nằm trong giải 25 đến 26,6. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đều gặp khó khăn về tuyển sinh cao học nhóm ngành kỹ thuật, Học viện vẫn tuyển sinh vượt kế hoạch đào tạo cao học ngành ATTT. Thành công đó cũng đến từ thương hiệu, vị thế của Học viện ngày càng được nâng tầm mạnh mẽ trong thời gian qua, trong đó có việc tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế; gia tăng các công trình khoa học công bố và đặc biệt các đội tuyển học viên, sinh viên Học viện đạt được các giải cao tại các cuộc thi về ATTT trong nước, khu vực và quốc tế.
Phóng viên: Được biết, ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về ATTT, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT. Vậy ông có thể chia sẻ một số chiến lược đào tạo của Học viện trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện đề án nêu trên và vai trò công tác tuyển sinh đối với Học viện được xác định trong thời gian tới là như thế nào?
TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ
Ông Hoàng Văn Thức: Ngay từ thời gian đầu, Học viện đã được tiếp cận và tham gia góp ý vào Dự thảo Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng. Khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ đã giao cho Học viện Kỹ thuật mật mã nghiên cứu, triển khai vào công tác đào tạo của Học viện.
Bên cạnh đó, chiến lược đào tạo của Học viện không thể tách rời chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị ban hành; trong đó, xây dựng Học viện Kỹ thuật mật mã trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về KTMM và ATTT, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cơ yếu và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, có thể nói, thực hiện Đề án trên cũng chính là thực hiện chiến lược đào tạo của Học viện, cụ thể Học viện đã xác định:
- Đẩy mạnh đổi mới công tác đào tạo, gắn kết đào tạo với thực tiễn, gắn nhà trường và doanh nghiệp, gắn đào tạo với hội nhập hợp tác.
- Tăng cường tiềm lực tổng hợp, ưu tiên đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở nước ngoài và đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ.
- Tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực đào tạo chuyên sâu này, đặc biệt chú trọng hợp tác, nghiên cứu, đồng tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế chuyên sâu về lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin, từng bước đưa chuẩn đầu ra tiệm cận với các chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt công tác, với ưu tiên là công tác quản lý, vận hành đào tạo và đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo.
- Lan tỏa đến từng cán bộ, giảng viên, nhân viên Học viện nhận thức sâu sắc về sứ mệnh và tầm nhìn của Học viện. Đó chính là sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo mật và an toàn thông tin, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam, tăng cường quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội”; với tầm nhìn “trở thành một đại học định hướng ứng dụng - đổi mới sáng tạo, tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về bảo mật và an toàn thông tin, có một số chuyên ngành đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế”.
Với ý nghĩa đó, công tác tuyển sinh trong thời gian tới sẽ phải ưu tiên “Phát triển quy mô, cơ cấu ngành nghề chất lượng cao đáp ứng nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phóng viên: Học viện Kỹ thuật mật mã là trường đại học với nhiều đặc thù, trong thời gian tới lãnh đạo Học viện sẽ hướng tới xây dựng thương hiệu nhà trường như thế nào và thông qua các chương trình đào tạo, sinh viên các trường đại học khác nhìn về sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã với ưu thế ra sao thưa ông?
Ông Hoàng Văn Thức: Với chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục đại học như hiện nay, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng về đào tạo thì việc các cơ sở giáo dục đại học trong nước cạnh tranh với nhau, thậm chí là với cả các trường đại học trong khu vực là tất yếu. Tuy nhiên, theo tôi có lẽ ở đây chúng ta nên dùng từ “lợi thế” thay từ “đặc thù” trong định hướng xây dựng bản sắc riêng và thương hiệu của nhà trường, là yếu tố để so sánh giữa các cơ sở đào tạo cùng lĩnh vực.
Nói về lợi thế của Học viện, đó chính là bề dày lịch sử gần 50 năm đào tạo về KTMM, là đơn vị trực thuộc Cơ quan mật mã quốc gia; Học viện là cơ sở duy nhất đào tạo chuyên ngành KTMM từ bậc đại học đến tiến sỹ; đồng thời Học viện là một trong những cơ sở giáo dục đại học có thể nói là tiên phong trong đào tạo chuyên ngành ATTT ở Việt Nam trong gần 20 năm qua. Từ những lợi thế đó là một trong những yếu tố quan trọng để chúng tôi xác định và xây dựng bản sắc riêng, thương hiệu của Học viện. Cụ thể là: chương trình đào tạo chuyên ngành ATTT và các chuyên ngành khác phải tận dụng và gắn với nền tảng, tri thức, kinh nghiệm và thế mạnh trong của chuyên ngành KTMM và ngược lại chương trình đào tạo chuyên ngành KTMM cũng cần được đặt trong mối quan hệ với các chương trình đào tạo của các chuyên ngành khác nhằm đảm bảo an toàn, an ninh tổng thể của các hệ thống thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử thì giữa bảo mật, ATTT và một số chuyên nghành công nghệ khác ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sự đóng góp cống hiến của các cựu học viên, sinh viên của Học viện, tiếng vang của các đội tuyển sinh viên tham dự các cuộc thi ở tầm quốc gia và quốc tế, sự vinh danh các chuyên gia bảo mật hàng đầu (là cựu sinh viên của Học viện) do các tổ chức uy tín của thế giới công nhận, sự tin cậy và công nhận của các nhà tuyển dụng đối với các kỹ sư tốt nghiệp ra trường. Chúng tôi tự tin rằng, cùng các lợi thế nêu trên, Học viện đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy cho phụ huynh an tâm gửi gắm tương lai con em mình, là môi trường thử thách tốt đẹp để các bạn trẻ nuôi dưỡng ước mơ tuổi trẻ lập nghiệp vào đời.
*còn nữa…