Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện, các thế hệ giảng viên, cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sau đại học của Học viện; đại diện lãnh đạo các Hệ Cơ yếu, một số cơ quan, đơn vị trong Ban; đại diện một số doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện KTMM nhấn mạnh, 20 năm qua, Học viện KTMM đã có những bước phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng và quy mô đào tạo, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao của ngành Cơ yếu. Sau 20 năm đào tạo sau Đại học, Học viện đã cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành Cơ yếu, an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
PGS, TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện KTMM phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngày càng cao, cạnh tranh trong đào tạo ngày càng gay gắt; nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ sau đại học, vững về kiến thức chuyên môn và thành thạo về kỹ năng làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ sẽ còn rất cao trong những năm tới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, đặt ra những yêu cầu thay đổi căn bản trong chiến lược, phương thức tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực nghiên cứu trình độ cao và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo cho thứ hạng của mỗi cơ sở giáo dục Đại học.
Hội nghị đã được nghe các đại biểu trình bày các tham luận về vấn đề đào tạo sau Đại học, bao gồm: TS. Bùi Đức Trình, Trưởng phòng Sau đại học, Học viện KTMM trình bày về nội dung tổng kết 20 năm đào tạo sau đại học của Học viện KTMM; Đại tá, TS. Hoàng Văn Quân, Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu trình bày tham luận Hiệu quả nguồn nhân lực bậc cao đóng góp vào sự phát triển của Cơ yếu Quân đội; TS. Đặng Vũ Hoàng, Cục Chính trị - Tổ chức với Tham luận về đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao góp phần xây dựng Ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, hiện đại.
Đặc biệt, Hội nghị còn được lắng nghe chia sẻ của GS.TSKH. Hồ Tú Bảo về kinh nghiệm đào tạo sau đại học trên thế giới, các thách thức và một số định hướng cho đào tạo sau đại học tại Việt Nam trong thời gian tới.
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo chia sẻ tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, PGS,TS. Lương Thế Dũng nhấn mạnh, từ thực tiễn và kinh nghiệm của công tác đào tạo sau đại học trong 20 năm qua cho thấy, đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục sau đại học để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Học viện KTMM trong CMCN 4.0. Để đổi mới công tác đào tạo sau đại học, trong thời gian tới Học viện KTMM cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng: Tiếp tục quán triệt, triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng về giáo dục, đặc biệt là nội dung trong Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị về việc “Xây dựng Học viện KTMM thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về kỹ thuật mật mã và an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực Cơ yếu và nhu cầu cho lĩnh vực kinh tế - xã hội”. Tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Ban Cơ yếu Chính phủ, các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác đào tạo sau đại học. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn học tập và giảng dạy đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao cho ngành Cơ yếu và đất nước.
Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu: Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, số lượng giảng viên có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư; đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ, chất lượng cao, có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư phục vụ đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học; Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin đủ khả năng giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ cho ngành Cơ yếu, đất nước; đồng thời phát triển được các hướng nghiên cứu khoa học cơ bản có thế mạnh đạt trình độ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin có số lượng công bố, bài báo quốc tế thuộc nhóm trường đại học xếp hạng cao tại Việt Nam….
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình, giáo trình đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo sau đại học: Phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, đổi mới phương pháp, phong cách giảng dạy và quản lý tiên tiến, chuyên nghiệp; chuẩn hoá chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, gắn đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học; gắn đào tạo với thực tiễn; nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và khả năng tư duy khoa học độc lập của học viên, nghiên cứu sinh.
Bốn là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tăng cường hợp tác đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo sau đại học, đặc biệt xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu gắn với việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện; tiếp tục thúc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài; tập trung mở rộng và thúc đẩy hợp tác với các đối tác là các trường đại học lớn, tiên tiến trong và ngoài nước.
Năm là, đổi mới công tác quản lý và mô hình đào tạo: Cải tiến công tác quản lý hoạt động đào tạo, thực hiện nghiêm túc tất cả các khâu từ tuyển sinh, nhập học, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, giao đề tài và tổ chức hội đồng đánh giá luận văn, luận án đúng quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Học viện; Đồng thời phải đảm bảo tính khoa học, sáng tạo và không ngừng đổi mới; Nghiên cứu áp dụng mô hình học tập trung tại các phòng thí nghiệm, thực hiện sinh hoạt và triển khai các nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của các nhóm nghiên cứu.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia vào quá trình đào tạo sau đại học của Học viện cần hết sức nỗ lực phấn đấu, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành Cơ yếu và cho xã hội.