Cuộc so tài xuất hiện các nhân tố mới
Vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022 diễn ra rất gay cấn. Bên cạnh màn rượt đuổi điểm số bởi những đại diện quen thuộc đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP. HCM), Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội… là sự có mặt của đại diện đến từ Singapore.
Trong suốt 6 tiếng đầu của cuộc thi đã chứng kiến màn rượt đuổi gay cấn tại 3 vị trí đầu bảng giữa 3 đội: KMA.L3N0V0 (Học viện Kỹ thuật mật mã), HCMACT.Rescure (Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã TP. HCM) và đội Singapwners đến từ Singapore. Chỉ với sự chênh lệch 10 điểm, ba đội thi đã có màn trình diễn đầy ấn tượng.
Đội HCMACT.Rescure (Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã TP. HCM) dẫn đầu với 2.245 điểm (14h00, ngày 15/10).
Một điểm đáng mừng là không chỉ đội Singapwners đến từ Singapore, mà các đội thi đến từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng nhiều ghi điểm số, cạnh tranh trong Top 30 bảng xếp hạng. Khác với các năm trước, khi chỉ có đại diện đội thi của một đội nước ngoài ghi điểm trong suốt cuộc thi. Điều này cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các nước trong khu vực ASEAN với cuộc thi sinh viên ATTT.
Đề thi vòng Sơ khảo năm nay được xây dựng dưới hình thức thực hành về ATTT theo hình thức vượt qua thử thách theo chủ đề (jeopardy), trong vòng 8 tiếng. Với 15 bài thi, các thử thách thuộc các lĩnh vực: Web application; Reverse engineering; Pwnable; Crypto/ACM. Tuy nhiên, reverse engineering - dịch ngược mã nguồn phần mềm là lĩnh vực có nhiều thử thách chưa tìm được lời giải.
Đội KMA.L3N0V0 vô địch vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin năm ASEAN 2022
Tại điểm thi phía Bắc, tham dự lễ trao giải có ông Khổng Huy Hùng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA); ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA; PGS. TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ.
Vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2022 trao 55 giải cho các đội thi.
Tại bảng VN1 khu vực phía Bắc, ngôi vị quán quân thuộc về đội KMA.L3N0V0 (Học viện Kỹ thuật mật mã).
Ông Khổng Huy Hùng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi và PGS. TS. Lương Thế Dũng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã trao giải nhất cho đội KMA.L3N0V0 (Học viện Kỹ thuật mật mã).
Giải Nhì thuộc về 2 đội Ph4nt0m_tr0up3 (Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội) và SecGang (Đại học Bách Khoa Hà Nội).
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA lên trao giải nhì cho 2 đội thi.
Giải Ba thuộc về 5 đội KMA.B1Qu4M@n và KMA.lostQ (Học viện Kỹ thuật mật mã), MSEC_ADC (Học viện Kỹ thuật Quân sự), BKĐN_SSW (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và PTIT.Invisible (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Hà Nội).
Ông Hoàng Đức Thọ, Chủ nhiệm Khoa ATTT, Học viện Kỹ thuật mật mã và bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng Ban giám khảo lên trao giải ba cho 5 đội thi.
Tại bảng VN2 khu vực phía Nam và bảng thi ASEAN, giải Nhất lần lượt thuộc về đội UIT.pawf3ct (Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG TP. HCM) và đội Singapwners (Singapore). Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng trao 33 giải khuyến khích cho các đội đến từ 3 bảng thi.
Dự kiến, vòng Chung khảo sẽ được tổ chức vào ngày 05/11/2022 với sự có mặt của 20 đội đứng đầu 3 bảng thi Sơ khảo: 5 đội bảng VN1, 5 đội bảng VN2 và 10 đội bảng ASEAN (các đội Việt Nam sẽ thi tập trung tại Hà Nội, các đội ASEAN thi online).
Các đội đạt giải cao của Việt Nam sẽ được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong Hội thảo quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022”, tổ chức ngày 24/11/2022 tại Hà Nội.
Cuộc thi năm nay tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) với vai trò Nhà tài trợ chính. Bên cạnh đó, có sự ủng hộ của 02 đơn vị Đồng tài trợ là Công ty Cổ phần Netnam và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).