Hội nghị cấp cao Thành phố Thông minh Việt Nam 2020

08:39 | 26/11/2020
T.U

Hội nghị cấp cao Thành phố Thông minh Việt Nam - Smart City Summit 2020 đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ  Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) tổ chức trực tuyến vào ngày 24/11/2020, với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã tham gia và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị bao gồm lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo một số doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay, Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 27 điểm cầu đến từ các tỉnh/thành phố đang quan tâm và triển khai đô thị thông minh như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Huế,…

Hội nghị có sự tham dự và theo dõi của hơn 10.000 đại biểu trong nước và quốc tế với các hoạt động: Hội thảo 03 Chuyên đề, Triển lãm sản phẩm và dịch vụ, Giải Thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam, tư vấn xây dựng và phát triển thành phố thông minh, các chương trình giao lưu, thúc đẩy hợp tác,…

Hội nghị diễn ra nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của các thành phố trong nước và khu vực. Dựa trên các điều kiện thực tế của các thành phố, Hội nghị đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới bao gồm: IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đám mây, thực tại ảo,… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình phát biểu trực tuyến khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Gia Bình cho biết, Hội nghị tổ chức nhằm hưởng ứng Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển Đô thị Thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030 với mục tiêu có 06 thành phố thông minh thuộc 06 vùng kinh tế, trong khi đó hiện nay 32 thành phố đã có đề án xây dựng thành phố thông minh.

Ông Trương Gia Bình cho hay, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu, người dân sẽ được sống trong môi trường trong lành, an toàn, thông minh hơn, đi lại thông thoáng, ít phải xếp hàng dài trong bệnh viện, được giải quyết thủ tục hành chính với ít thời gian và chi phí hơn; doanh nghiệp cũng có môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn, các khu công nghiệp có nhiều tiện ích hiện đại và tiết kiệm chi phí hơn. Điều này muốn thực hiện được cũng nhờ sự đóng góp của cộng đồng chuyên gia công nghệ với mong muốn tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn với các công nghệ mới nhất. Qua Hội nghị, ông thể hiện niềm tin sâu sắc rằng, thành phố thông minh là sự lựa chọn đúng đắn nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp vào sức cạnh tranh của quốc gia cho những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, đô thị thông minh có lẽ là một trong những lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ nhất những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều các yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị thông minh nhưng có thể nói hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ số được coi là những yếu tố cơ sở, then chốt để những yếu tố khác triển khai các dịch vụ đô thị thông minh trên đó. Theo ông, công nghệ số đã thực sự len lỏi vào mọi lĩnh vực của đô thị thông minh và trực tiếp đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển đô thị.

Chương trình Hội nghị bao gồm 3 chuyên đề diễn ra song song về các chủ đề: Chuyên đề 1 - Chính quyền số cho Đô thị thông minh; Chuyên đề 2 - Bất động sản và Khu công nghiệp thông minh; Chuyên đề 3 - Các nền tảng và giải pháp số cho thành phố thông minh. Các diễn giả trình bày và thảo luận là các đại diện lãnh đạo và chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế…), các chuyên gia công nghệ từ các tập đoàn lớn (Viettel, FPT, VNPT, Amazon, VNG...), các chuyên gia công nghệ quốc tế (Singapore, Thái Lan, Malaysia…).

Toàn cảnh Tọa đàm tại Hội thảo 1 của Chuyên đề 1 - Chiến lược và chính sách xây dựng đô thị thông minh

Đáng chú ý, trong phần Tọa đàm tại Hội thảo 1 của Chuyên đề 1, ông Trương Gia Bình có đặt vấn đề rằng liệu quốc gia càng “nghèo” thì càng phải “thông minh”. Diễn giải sâu hơn, tức là càng có ít nguồn lực đầu tư thì càng cần phải đầu tư vào thứ đạt hiệu quả cao nhất, và ông cho rằng đó chính là thành phố thông minh - “Càng thông minh thì càng tiết kiệm”. Đồng ý kiến với quan điểm của ông Bình, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, mục tiêu trước hết của ứng dụng đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận hành (ví dụ về giao thông, đường thông minh); từ đó, khi vận hành được hiệu quả sẽ dẫn đến các ích lợi đáng kể khác (giảm tắc đường, giảm ô nhiễm môi trường)…

Diễn ra song song với Hội nghị là Triển lãm trực tuyến, với gần 40 sản phẩm, dịch vụ của các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước, được chia thành 3 nhóm: Các thành phố thông minh; Dự án bất động sản thông minh; Các giải pháp công nghệ số cho thành phố thông minh. Sau Hội nghị chuyên đề là Lễ trao giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam - Smart City Vietnam Award 2020.

Hội nghị Thành phố thông minh là sự kiện quốc gia và quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác, xây dựng và phát triển thành phố thông minh cho các thành phố tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị được tổ chức thường niên lần đầu tiên năm 2017, hàng năm thu hút sự tham dự của đông đảo các đại biểu trong nước và từ các nền kinh tế trên thế giới.