Đây là hội nghị quốc tế chống mã độc tống tiền lần thứ hai được tổ chức, sau hội nghị đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến vào năm 2021.
Phát biểu trước khi diễn ra hội nghị, một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh các cuộc tấn công mã độc tống tiền đang trở thành thách thức ngày một lớn.
Cụ thể, quan chức này cho biết tốc độ và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công theo hình thức này tăng nhanh hơn nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng. Điển hình là vụ tấn công gần đây nhằm vào Học khu LosAngeles khiến dữ liệu bảo mật bị rò rỉ.
Quan chức trên cũng đề cập đến một loạt vụ tấn công mã độc tống tiền nhằm vào nhiều bệnh viện trên thế giới, cũng như các cơ quan bộ, ngành, chính phủ nhiều nước, trong đó có các cuộc tấn công nhằm vào Chính phủ Costa Rica hay chính quyền thành phố Palermo của Italy trong năm nay.
Do đó, Nhà Trắng hy vọng sự kiện này giúp các nước có thể đưa ra "một bộ tiêu chuẩn mạng được công nhận trên toàn cầu" nhằm chống lại các mối đe dọa từ mã độc tống tiền, cũng như buộc các tin tặc phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu thảo luận cách thức ngăn chặn và đập tan các cuộc tấn công dùng mã độc tống tiền, đối phó với việc lưu thông bất hợp pháp tiền kỹ thuật số. Thống kê cho thấy các cuộc tấn công mã độc tống tiền đã tăng mạnh trong những năm gần đây, với hơn 4.000 cuộc tấn công bên ngoài nước Mỹ trong 18 tháng qua.
Khác với hội nghị năm 2021, hội nghị năm nay có sự tham gia của các công ty tư nhân, trong đó có tập đoàn công nghệ lớn Microsoft của Mỹ, tập đoàn Siemens của Đức và Tata của Ấn Độ.
Mã độc tống tiền là một loại phần mềm độc hại có mục đích tống tiền người dùng bằng cách xâm nhập vào máy tính và thao túng dữ liệu của nạn nhân. Trong những năm gần đây, không phải virus, mà chính mã độc tống tiền mới là mối đe dọa đối với các tổ chức, doanh nghiệp.
Các quản trị viên hệ thống công nghệ thông tin luôn tìm mọi cách để ngăn chặn sự xâm nhập của loại mã độc tống tiền này.