Đồng chí Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (QLMMDS&KĐSPMM) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại điện một số đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo Cục và lãnh đạo một số Phòng chức năng thuộc Cục QLMMDS&KĐSPMM và đại diện đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mật mã dân sự (MMDS).
Tại hội nghị, đại diện Cục QLMMDS&KĐSPMM đã phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu, sử dụng sản phẩm MMDS; hướng dẫn triển khai Nghị định số 32/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 của Chính phủ và Thông tư số 23/2022/TT-BQP ngày 04/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MMDS. Qua đó nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về quản lý mật mã dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng thủ tục, trình tự đề nghị cấp Giấy phép, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật mật mã đã được ban hành và thực hiện tốt quy định của nhà nước về kinh doanh, sử dụng MMDS.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục QLMMDS&KĐSPMM cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị định, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nhận được sự phối hợp triển khai của các Bộ, ngành, địa phương và của các doanh nghiệp. Cho đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phép cho hơn 400 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trên phạm vi cả nước; hàng năm tiếp nhận và xử lý hàng trăm hồ sơ cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Trong năm 2024, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu và chủ trì rà soát, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự (thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ).
Toàn cảnh hội nghị tập huấn MMDS 2024
Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định để báo cáo Chính phủ quyết định ban hành. Dự thảo Nghị định tập trung vào một số nhóm vấn đề chính gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực MMDS phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Bổ sung Quy định về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm MMDS; Quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS; trong đó ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ MMDS; ban hành các biểu mẫu thực hiện trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm dịch vụ MMDS phù hợp với phương án thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực MMDS; Quy định chi tiết về xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS; trong đó ban hành Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép; quy định chi tiết về nhập khẩu sản phẩm MMDS phi thương mại, trình tự thủ tục cấp lại Giấy phép xuất nhập khẩu và việc áp dụng mã HS; ban hành các biểu mẫu thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS phù hợp với phương án thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực MMDS.
Tại hội nghị Cục QLMMDS&KĐSPMM cùng các doanh nghiệp đã thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
Kết luận Hội nghị, Lãnh đạo Cục QLMMDS&KĐSPMM đánh giá cao tinh thần hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, nhằm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị định của Chính phủ. Các tổ chức, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt quy định của nhà nước về kinh doanh, sử dụng MMDS. Cục QLMMDS&KĐSPMM luôn sẵn sàng giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc và vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, để các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực này.