Tại lần tổ chức thứ 4 của Hội nghị năm nay có đại diện đến từ hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trong đó có đại diện cấp Chính phủ của 75 quốc gia, vùng lãnh thổ tập hợp lại nhằm thúc đẩy hợp tác thiết thực trong không gian mạng, tăng cường xây dựng năng lực bảo đảm an toàn, an ninh thông tin không gian mạng và thảo luận về trách nhiệm của từng quốc gia, tổ chức trong không gian mạng.
Hội nghị tìm giải pháp để toàn thế giới cùng nhau có biện pháp phản ứng đối với những thách thức cấp bách về an toàn, an ninh thông tin mạng như: Vấn đề truy tố tội phạm mạng; nâng cao hợp tác giữa các tổ chức CERT và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ Internet.
Hội nghị cũng đã khởi động một sáng kiến toàn cầu nơi mà tất cả các đối tác có thể chia sẻ kinh nghiệm trên mạng và làm việc cùng nhau; tìm cách xây dựng dựa trên Khung Seoul để thúc đẩy sự thống nhất về các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đấu tranh chống tội phạm mạng và đối phó với các mối đe dọa cho sự ổn định quốc tế.
Bên cạnh đó còn có các cuộc thảo luận quốc tế về quyền con người và quyền riêng tư trên Internet.
Trong khuôn khổ Hội nghị năm nay, Diễn đàn toàn cầu các chuyên gia không gian mạng (Global Forum on Cyber Expertise - GFCE) do nước chủ nhà Hà Lan đề xuất đã được thành lập. GFCE nhằm tạo động lực chính trị mới trong việc xây dựng chính sách về ATTT; thúc đẩy các sáng kiến và cung cấp kho kiến thức, kinh nghiệm cho các nước thành viên; tạo nền tảng trao đổi ở cấp độ cao trong việc thảo luận xây dựng chính sách. Việt Nam là một trong 42 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã trở thành thành viên sáng lập của GFCE.