Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin

08:00 | 24/11/2017

Sáng ngày 23/11/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 29 điểm cầu tại các địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường của Quốc hội; ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, Sở TT&TT,...

Luật CNTT được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một cách toàn diện và đầy đủ về hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Luật CNTT thiết lập hành lang pháp lý thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, sau hơn 10 năm triển khai Luật CNTT, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trở thành ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện với nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn được ban hành. Hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và xã hội. Ứng dụng CNTT được đẩy mạnh và gắn chặt với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật CNTT, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới, cần phải xác định những tồn tại, hạn chế trong việc thực thi Luật CNTT, từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể với Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng chính là tinh thần của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thế giới có những đánh giá cao đối với sự phát triển CNTT của Việt Nam. Trong 10 năm qua, 4 trụ cột của ngành CNTT nước ta từ hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng, công nghiệp CNTT phát triển hơn mức trung bình chung của các ngành. Tuy nhiên, trong 4 trụ cột này, ngoại trừ ngành công nghiệp CNTT với sự góp mặt của các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung là đạt được sự phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, còn lại nhìn chung CNTT Việt Nam còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Về kinh tế Việt Nam phát triển tính theo GDP bình quân đầu người đứng ở mức 120 của thế giới, vẫn xếp ở nhóm có mức thu nhập trung bình thấp. Về các mặt CNTT, từ hạ tầng tới đào tạo có thứ hạng khá hơn ở mức 80.

Trong 10 năm qua bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Luật CNTT cũng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, khi thực hiện đánh giá Luật CNTT, phải nhìn nhận theo hướng đặt kết quả phát triển CNTT với đánh giá toàn diện các hệ thống pháp luật chung có liên quan đến CNTT để có cái nhìn toàn diện hơn.

Đối với việc thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ CNTT, không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Cần phải bỏ ngay cách nghĩ “thuê doanh nghiệp làm thì không đảm bảo an ninh”. Muốn đảm bảo an toàn thông tin, cần phải đưa đầu bài ngay khi bắt đầu thuê dịch vụ CNTT. Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, thủ tục, giá thuê, nhưng vướng nhất vẫn là tư tưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đừng lấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu làm mục tiêu chính. Thực chất, xây dựng cơ sở dữ liệu là để phục vụ cho mục tiêu quản lý, dữ liệu không được kết nối, chia sẻ là dữ liệu chết, dữ liệu manh mún. Dữ liệu được kết nối, được chia sẻ sẽ là nguồn tài nguyên quý giá. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KHCN xây dựng Đề án kết nối dữ liệu tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Về nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến đổi mới mạnh mẽ đào tạo về CNTT; sẽ đồng ý cho các kỹ sư đang làm tại các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chuẩn được đánh giá như là giáo viên, tham gia vào công tác đào tạo cho sinh viên các trường đại học để giảm bớt sự hàn lâm. Các doanh nghiệp và Hiệp hội phải có trách nhiệm tham gia hoạt động này.

Đối với những đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, nên tiếp cận theo xu thế chung là trên cơ sở đã có luật cơ bản, có nền khung rồi, thì tiến tới các luật chuyên sâu hơn. Luật càng chuyên sâu thì khi cần chỉnh sửa, điều chỉnh sẽ thuận tiện hơn, đồng thời, cần nghiên cứu các xu thế phát triển mới của ngành CNTT để đưa vào trong Luật.


Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ nhận thức sâu sắc được các yêu cầu cấp bách của việc đổi mới hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn tới phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động ứng dụng CNTT. Đồng thời cũng nhận thức được cơ hội to lớn của các xu thế công nghệ mới như Internet vạn vật, thành phố thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam. Bộ trưởng nhấn mạnh, “Mặc dù còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, đặc biệt là tác động của quá trình chuyển đổi số với đời sống kinh tế xã hội, nhưng chắc chắn các xu thế này sẽ mang đến những tiềm năng phát triển đột phá, cho chúng ta một cơ hội đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT”.

Hội nghị cũng đã nghe đại diện các Ban, Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội báo cáo về tác động của Luật CNTT đối với hoạt động và có phần giao lưu về định hướng quản lý và phát triển CNTT trong thời gian tới. Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ TT&TT đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho 29 tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, triển khai Luật CNTT thời gian qua.

Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, việc hoàn thiện Luật CNTT sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực là ứng dụng CNTT; phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT. Các đơn vị tham mưu của Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của diễn giả, đại biểu, chuyên gia trong hội nghị, để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề xuất bắt đầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ngay trong năm 2018.