Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước

13:57 | 29/03/2012

Ngày 16/3/2012, tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (2000 - 2011).

Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Báo cáo tổng kết của Chính phủ, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, nhận thức của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức về bảo vệ bí mật nhà nước đã được nâng cao; hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước từng bước được hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước ngày càng được củng cố và đi vào chiều sâu; công tác phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch được triển khai có hiệu quả.

Kết quả trên đã góp phần bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước thời gian vừa qua. Trong đó vẫn có tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước ở một số Bộ, ngành, địa phương đã gây hậu quả xấu; một bộ phận cán bộ đảng viên còn chủ quan, mất cảnh giác, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đi sâu phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác thực hiện Pháp lệnh.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/2008/CT-TTg ngày 11/4/2008 để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện nhằm tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng ngừa, phát hiện các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước hoặc các hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước đi vào chiều sâu, hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thiết lập cơ chế pháp lý trong việc bảo vệ các tài liệu bí mật được trao đổi giữa Việt Nam và các nước trong thời kỳ hội nhập.