Sau hơn 01 năm chuẩn bị từ khâu tổ chức cho đến nội dung chương trình như công tác nhận và phản biện các bài báo khoa học, Hội thảo RET2022 diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Đài Loan và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh nhận định: “Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, học viên trong và ngoài nước kết nối với nhau, chia sẻ, trao đổi các vấn đề đã, đang và sẽ nghiên cứu, sau đó tiến đến hợp tác, thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Trong các năm tiếp theo, mục tiêu của Hội thảo là trở thành một diễn đàn khoa học thường niên uy tín đặc biệt thu hút các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới”.
TS. Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Trà Vinh phát biểu tại Hội thảo.
Theo Ban Tổ chức, đã có 39 bài báo chất lượng được chọn lọc, bình duyệt từ 58 bài báo gửi về, trong đó có 04 chuyên đề khách mời được báo cáo bởi các nhà khoa học, học giả uy tín trên thế giới: Chuyên đề: Phát triển bộ chuyển đổi thời gian số với độ phân giải pico-giây bằng chip FPGA do GS,TS. Tang-Chieh Liu, Trưởng Khoa Kỹ thuật điện tử, Đại học Phùng Giáp trình bày; Chuyên đề: Bằng sáng chế của một kỹ sư về kỹ thuật, Engineering an Engineer’s Patient của TS. Phillip M. Adams (Hoa Kỳ), Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Trà Vinh; Ông Võ Duy Nhất, Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam với Chuyên đề: Giải pháp bảo trì toàn diện dành cho dây chuyền sản xuất; TS. David Nghiêm, Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ không dây toàn cầu, Hoa Kỳ trình bày chuyên đề: Phát triển thiết bị y tế không dây.
Chuyên gia báo cáo Chuyên đề tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Thái Sơn, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Hội thảo RET là diễn đàn thường niên trong 4 năm qua. Đặc biệt, hội thảo RET lần thứ 5 năm 2022 đã nâng tầm thành hội thảo quốc tế thu hút nhà nghiên cứu trên thế giới. Các bài báo đáp ứng yêu cầu của Hội thảo sẽ được xuất bản trên Kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN, đặc biệt các bài xuất sắc sẽ được đề xuất đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Trà Vinh và Tạp chí An toàn Thông tin”.
Sau phiên toàn thể, các diễn giả và các nhà khoa học đã tham dự 05 phiên báo cáo chuyên đề diễn ra song song. Tại đây các diễn giả và các nhà khoa học đã phân tích, tranh luận làm rõ những vấn đề trong các báo cáo thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí - động lực, xây dựng, điều khiển và tự động hóa, điện - điện tử, ứng dụng AI và sở hữu trí tuệ.
Hội thảo RET2022 cũng đã nhận được sự quan tâm, đồng hành của nhiều doanh nghiệp, trong đó có tài trợ đặc biệt của Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam (MEVN) và Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.