Tham dự Hội thảo có PGS,TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã; GS. Lê Thị Hoài An, Lãnh đạo Phòng Thí nghiệm Lý thuyết và Ứng dụng khoa học máy tính, Đại học Lorraine, Pháp; các chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến mô hình hóa và tối ưu hóa.
TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã chia sẻ, trong bối cảnh đầy biến động do tác động của đại dịch Covid-19, Học viện Kỹ thuật mật mã đã nỗ lực không ngừng để thực hiện vai trò và sứ mệnh của một trường đại học định hướng ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh, Học viện Kỹ thuật mật mã là một trong tám cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin và là cơ sở duy nhất của Việt Nam có chức năng đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật mật mã và An toàn thông tin. Do đó, Học viện rất chú trọng đến công tác đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học.
Tiếp nối thành công của các kỳ Hội thảo trước, Hội thảo MCO 2021 được tổ chức với quy mô lớn hơn. Đây tiếp tục là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ, đồng thời đặt ra những yêu cầu đối với các nghiên cứu sinh và học viên cao học trên toàn thế giới cần phải có những kết quả nghiên cứu, những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực.
Hội thảo diễn ra với 3 phiên chính và 4 phiên thảo luận song song với nhiều chủ đề chuyên sâu thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin, bảo mật và tối ưu hóa, dưới sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu thế giới và các diễn giả khách mời từ nước ngoài.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu những ý tưởng và kết quả nghiên cứu của mình, đồng thời trao đổi, thảo luận và lắng nghe đóng góp của các nhà khoa học về lĩnh vực đó.
Đặc biệt, khách tham dự Hội thảo năm nay đã được lắng nghe 03 báo cáo với phần trình bày của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, bao gồm:
“DC programming and DCA: recent advances and trends” của GS. Lê Thị Hoài An, Đại học Lorraine (Pháp) tập trung vào các vấn đề về xu hướng và những tiến bộ gần đây trong sự phát triển của lập trình DC và DCA, bao gồm việc cải thiện hiệu quả và khả năng mở rộng của DCA cũng như giải quyết các vấn đề giảm gánh nặng tính toán của DCA, tăng tốc độ hội tụ của DCA, các thuật toán dựa trên DCA để xử lý dữ liệu lớn….
Giáo sư Lê Thị Hoài An trình bày tham luận tại Hội thảo
“Artificial Intelligence, Data Sciences, and Optimization in Economics and Finance” của Giáo sư Panos M. Pardalos, Đại học Florida (Mỹ). Nội dung chính của bài báo cáo là tóm tắt một số tác động chính của các công cụ AI trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính; thảo luận về những hướng nghiên cứu mới của lĩnh vực này trong tương lai. Bài báo cáo cũng trình bày chi tiết về việc sử dụng mạng neural trong việc phân tích hồ sơ của các công ty để lựa chọn danh mục đầu tư.
Giáo sư Panos M. Pardalos trình bày tham luận tại Hội thảo
“Computationally Relevant Generalized Derivatives: Theory, Evaluation and Applications” của Giáo sư Paul Barton, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) trình bày về một số kết quả lý thuyết và thuật toán mới cho các phương pháp tự động để đánh giá đạo hàm tổng quát liên quan đến tính toán trong các thiết lập. Tham luận cũng nhấn mạnh đến các ứng dụng quan trọng mà những tiến bộ của nó có ảnh hưởng đến việc mô phỏng, phân tích độ nhạy và tối ưu hóa.
Ngoài ra còn có các tham luận phân tích và đánh giá với nội dung trọng tâm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, lập trình DC và DCA và các vấn đề về tối ưu hóa.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, là diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình khoa học, kết quả nghiên cứu mới. Hơn nữa, Hội thảo là cầu nối tạo cơ hội tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa Học viện Kỹ thuật mật mã với các trường đại học trong khu vực và quốc tế.