Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2010: những hoạch định cho con đường phía trước

16:02 | 06/01/2011

Hội thảo – triển lãm Ngày an toàn thông tin Việt Nam lần thứ Ba đã diễn ra ngày 23/11/2010 tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông Tin & Truyền Thông (TT&TT). Đây là hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện Ngày ATTT Việt Nam 2010.

 

Hội thảo – triển lãm Ngày an toàn thông tin Việt Nam  lần thứ Ba đã diễn ra ngày 23/11/2010 tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông Tin & Truyền Thông (TT&TT). Đây là hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện Ngày ATTT Việt Nam 2010.

Chủ đề “Quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia – Con đường phía trước” đã thể hiện rõ tính thời sự của Hội thảo năm nay. Bên cạnh việc phân tích một số vấn đề mang tính định hướng trong quy hoạch ATTT số quốc gia, nội  dung Hội thảo còn tập trung vào giới thiệu các giải pháp bảo mật tiên tiến của Việt Nam và thế giới có hiệu quả cao, chi phí hợp lý, giúp các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và tối ưu hóa được các lợi ích trong việc đầu tư cho ATTT. Đó cũng chính là yếu tố cần thiết để hoàn thành các mục tiêu theo từng giai đoạn mà Quy hoạch ATTT đã đề ra.

Thông điệp về An toàn thông tin Việt Nam

Tại phiên khai mạc diễn ra buổi sáng 23/11, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng  đã có bài phát biểu chào mừng và đưa ra “Thông điệp về ATTT Việt Nam”. Thông điệp nêu rõ: Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng thông tin, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tê, xã hội. Loài người đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Nội dung cơ bản của cuộc cách mạng này là ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, trong đó công nghệ thông tin (CNTT) là phương tiện có ý nghĩa quyết định trong cạnh tranh tăng trưởng kinh tế bền vững.

Như vậy, có thể nói CNTT là chìa khoá đi vào nền kinh tế tri thức. Tình hình đất nước sau hơn 20 năm đổi mới và bối cảnh kinh tế, chính trị, khoa học -  công nghệ (KH- CN) thế giới đã tạo ra cho kinh tế, chính trị và KH- CN Việt Nam những thuận lợi và cơ hội to lớn. Đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức gay gắt trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển KH-CN nói chung và CNTT nói riêng. Nổi bật trong những khó khăn thách thức đó chính là vấn để đảm bảo an toàn thông tin.

Chính vì vậy, bên cạnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Đảng, nhà nước đề cập đến đảm bảo ATTT: Luật CNTT, luật giao dịch điện tử, Nghị định chống thư rác... Ngày 13/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 63/QĐ-TTg, phê duyệt “Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020”.

Quy hoạch đặt ra 4 mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia được đảm bảo ATTT bởi các hệ thống bảo mật chuyên dùng có độ tin cậy; Hình thành mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố về an toàn mạng và hạ tầng thông tin quốc gia với sự tham gia của các thành phần kinh tế; Nhân lực CNTT của Việt Nam đuợc đào tạo về ATTT với trình độ tương đương với các nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN; Nhận thức xã hội về ATTT được phổ cập và ngày một nâng cao, 100% cán bộ quản trị hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia được đào tạo và cấp chứng chỉ quốc gia về ATTT.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội về ATTT, người sử dụng phương tiện và dịch vụ thông tin thường xuyên được thông báo, cập nhật về những rủi ro mất ATTT mới phát sinh và có thể báo cáo rủi ro này cho các cơ quan có trách nhiệm.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, ngân sách nhà nước sẽ chi 765 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án ưu tiên phục vụ mục tiêu phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020. Để đưa các mục tiêu, nội dung trên của quy hoạch đi vào thực tế, cần triển khai 3 giải pháp đồng bộ sau:

1. Phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT

2. Đầu tư đủ nguồn lực để từng bước thực hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung chỉ tiêu mà quy hoạch đã đề ra theo đúng lộ trình.

3. Triển khai quy hoạch theo phương châm: Bên cạnh nguồn lực của nhà nước, sử dụng tối đa các nguồn lực được huy động từ nguồn xã hội hoá. Kết hợp sức mạnh của nội lực với việc tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè năm châu.

Các chuyên đề tại Hội thảo

Nội dung cả ba phiên hội thảo trong Ngày ATTT đều xoay quanh hai vấn đề: Quản lý nhà nước về ATTT và các giải pháp đảm bảo ATTT.

Trong phiên khai mạc, TS. Vũ Quốc Thành- Phó chủ tịch, Tổng thư ký VNISA đã công bố báo cáo kết quả điều tra về ATTT năm 2010 của VNISA nhằm đánh giá mức độ nhận thức và ứng dụng ATTT trong các tổ chức, doanh nghiệp.

Hai phiên hội thảo chuyên đề tiếp theo diễn ra song song đã đề cập đến những nội dung về ATTT cho hệ thống ngân hàng và ATTT cho người dùng thiết bị đầu cuối.

Phiên thảo luận ATTT trong hệ thống Ngân hàng có chủ đề: Hướng tới một chuẩn mực ATTT cho hệ thống ngân hàng do Cục Công nghệ Tin học – Ngân hàng Nhà nước chủ trì, đề cập đến các tiêu chuẩn ATTT sẽ được áp dụng trong thời gian tới cho hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Vai trò của hệ thống dự phòng (data center) trong việc đảm bảo ATTT hệ thống ngân hàng... Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp ATTT đã có một số tham luận như: “An ninh cho điện toán đám mây” của Trend Micro; “An ninh web & phòng chống mã độc và mạng máy tính ma” của Cisco; “Ứng dụng chữ ký số” của Bkav và tham luận của Entrust.

Phiên thảo luận chuyên đề về Viễn thông với chủ đề: ATTT cho người dùng đầu cuối do Vụ Viễn thông - Bộ TT&TT chủ trì, gồm tham luận về “Bảo vệ ATTT người dùng đầu cuối” của Mobifone và các bài thuyết trình của một số hãng cung cấp giải pháp như VDC, ARCSIGHT. Phiên thảo luận kết thúc với tham luận “Bảo vệ người dùng cuối trước các nguy cơ trực tuyến”.

Song song với hội thảo là triển lãm về các giải pháp, thiết bị BM&ATTT của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước đó, trong khuôn khổ sự kiện “Ngày ATTT Việt Nam 2010” cuộc thi “Sinh viên với ATTT 2010” và đợt bình chọn sản phẩm/dịch vụ ATTT được người dùng ưa thích trong năm cũng đã thành công tốt đẹp.

Ngày ATTT 2010 được đánh giá đã hội tụ nhiều nội dung thiết thực cả về chính sách và giải pháp trong lĩnh vực ATTT. Các hoạt động bên lề được đẩy mạnh, tạo nên sự quan tâm sâu sắc hơn về vấn đề bảo mật và ATTT trong xã hội.