Hội thảo Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin năm 2022

17:46 | 28/04/2022

Sáng 28/4, tại Hà Nội, Hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng Mật mã và An toàn thông tin” được Học viện Kỹ thuật mật mã phối hợp với Viện Khoa học - Công nghệ mật mã và Tạp chí An toàn thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) tổ chức cùng với sự góp mặt và tham gia báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tham dự Hội thảo, phía Ban Cơ yếu Chính phủ có: Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban; Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban; Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã; ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị.

Tham dự Hội thảo còn có TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật nghiệp vụ, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã chia sẻ: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Một số quốc gia tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ gây sức ép về chính trị, kinh tế và ngoại giao; Gia tăng các hoạt động thu thập, đánh cắp, giả mạo, sửa đổi thông tin,… nhằm xâm phạm chủ quyền lợi ích của quốc gia khác. Từ đó, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu phải sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin trên không gian mạng”.

“Kết quả của Hội thảo năm nay sẽ là nguồn tư liệu quý để báo cáo Ban Cơ yếu Chính phủ tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách bảo mật, an toàn thông tin trong thời gian tới; Đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học”, TS. Nguyễn Hữu Hùng nhận định.

TS. Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng tại buổi khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin cho biết: “Trên cương vị là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, Tạp chí An toàn thông tin nhận thấy đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự của Tạp chí khi được góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu về bảo mật, an toàn thông tin toàn quốc. Hội thảo nhằm thúc đẩy môi trường trao đổi học thuật, hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin tại Việt Nam; kết nối và mở rộng cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; khẳng định tầm quan trọng của mật mã và an toàn thông tin trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số".

Nội dung Hội thảo gồm 05 báo cáo mời và 02 phiên thảo luận song song về hai chủ đề Mật mã và An toàn thông tin với sự chủ trì của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, gồm các nhóm nội dung chính: Mật mã hiện đại, An toàn thông tin trong chuyển đổi số; An toàn mạng, an toàn ứng dụng; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuối khối; Bảo mật thông tin cho chính phủ điện tử.

TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận với chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin trình bày tham luận với chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”, nội dung tập trung về việc các tổ chức, cá nhân cần phải phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông để triển khai chiến lược về an toàn thông tin giai đoạn 2022 - 2030. Đặc biệt cần quán triệt hai nguyên tắc đó là (1) Chưa an toàn thì chưa đưa vào sử dụng, (2) Hệ thống thông tin thử nghiệm - Dữ liệu thật – An toàn thông tin như hệ thống thông tin chính thức. Trong đó, cần triển khai đầy đủ 07 giải pháp về ATTT: Phát triển phần mềm an toàn DEVSECOPS; Bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Giám sát an toàn thông tin; Bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; Kiểm tra đánh giá; Bảo vệ thông tin cá nhân; Phòng chống mã độc tập trung.  

PGS. TS. Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM trình bày tham luận với chủ đề "An toàn thông tin và Trí tuệ nhân tạo"

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu những ý tưởng và kết quả nghiên cứu của mình, đồng thời trao đổi, thảo luận và lắng nghe đóng góp ý kiến của các nhà khoa học về lĩnh vực đó. Đây là các báo cáo đã trải qua quy trình phản biện được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu đến từ các viện khoa học và các trường đại học hàng đầu trong nước. Mỗi bài báo tham dự Hội thảo sẽ được gửi đến ít nhất hai chuyên gia đánh giá theo quy trình bình duyệt tiêu chuẩn hai vòng. Với hơn 50 bài báo được gửi về Hội thảo, dựa trên kết quả bình duyệt đã có 20 bài báo với nội dung tốt nhất đã được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo đến từ rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

GS. Phan Dương Hiệu, Đại học Bách khoa Paris (Pháp) trình bày tham luận với chủ đề “Hướng tới mật mã phi tập trung”

Đặc biệt, 14 bài báo tiêu biểu của Hội thảo được đăng trên số đặc biệt của Ấn phẩm “Khoa học - Công nghệ trong lĩnh vực an toàn thông tin” của Tạp chí An toàn thông tin. Đây là Ấn phẩm khoa học thuộc danh mục tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Toàn cảnh buổi Hội thảo