Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021

18:01 | 09/09/2021

Ngày 9/9, IDG Vietnam phối hợp cùng Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số, thúc đẩy hoạt động quản lý Đô thị thông minh và phát triển Thương mại điện tử góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19” dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Sơn Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội; Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trên cả nước và các lãnh đạo đến từ một số cơ quan, tổ chức quốc tế...

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội thảo được tổ chức qua hình thức trực tuyến và đã thu hút gần 1000 người tham dự. Hội thảo tập trung chia sẻ các kinh nghiệm phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số, Cổng dịch vụ công trực tuyến của các quốc gia phát triển; đồng thời giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ việc hiện đại hóa hạ tầng Chính phủ điện tử/Chính phủ số.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Vào tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm triển khai Chính phủ điện tử, chúng ta chính thức ban hành văn bản chiến lược tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Chiến lược này sẽ trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của chúng ta trong một thập kỷ tới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, để đạt được mục tiêu đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021, cần có giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cụ thể theo 2 tiêu chí: Tiêu chí thứ nhất đặt mục tiêu cho mỗi dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cứ có người dùng ngoại tuyến sẽ có tối thiểu 1 người dùng trực tuyến, việc duy trì người dùng trực tuyến là điều kiện cần thiết điều chỉnh hoàn thiện dịch vụ đó hướng tới mục tiêu phụ vụ doanh nghiệp, người dân được tốt hơn. Tiêu chí thứ 2, đối với các dịch vụ công trực tuyến đã lên mức độ 4 được tối thiểu 1 năm tỉ lệ hồ sơ trực tuyến cần đạt tối thiểu 30% trong năm 2021 này. Có như vậy thì dịch vụ công trực tuyến mới thực sự đi vào cuộc sống và phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Trong buổi sáng, Phiên toàn thể diễn ra với 5 báo cáo do lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyền trưởng đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ABD) trình bày.

Nổi bật là báo cáo của đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và truyền thông về “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số”. Đồng chí nhấn mạnh: “Trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, chúng ta cần xác định hai nhóm nhiệm vụ: thứ nhất là nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, thứ hai là của các bộ, ngành, địa phương. Qua đó cần thực hiện sáu nhiệm vụ chính: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Phát triển dữ liệu số; Phát triển ứng dụng, dịch vụ và Bảo đảm an toàn, an ninh mạng”.
 

Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (ở giữa) tại Lễ Vinh danh 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu.

Tiếp nối Phiên tổng thể, Ban tổ chức đã tổ chức Lễ Vinh danh 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan chính phủ và phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Vai trò của lãnh đạo chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, hướng tới chính phủ số”. Ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ là một trong 10 lãnh đạo khối Trung ương được vinh danh lần này.

Buổi chiều diễn ra hai phiên Hội thảo chuyên đề song song, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm. Phiên Chuyên đề thứ nhất có chủ đề “Phát triển Đô thị thông minh” với sự tham gia của các diễn giả là lãnh đạo dự án thành phố thông minh Busan Eco- Delta Smart City (Hàn Quốc), lãnh đạo Cơ quan Công nghệ Quốc gia Singapore (GovTech), lãnh đạo Hiệp hội Đô thị Việt Nam…
Phiên Chuyên đề thứ hai có chủ đề Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử với sự tham gia của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cùng các đơn vị cung cấp giải pháp khác.

Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số, là xu hướng quan trọng ở các quốc gia trên toàn thế giới khi Chính phủ số, công nghệ số là công cụ mạnh mẽ cho các Chính phủ. Việc sử dụng một cách chiến lược công nghệ số có thể tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cải thiện trách nhiệm giải trình và tính cởi mở của Chính phủ. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung phát triển đô thị thông minh và thương mại điện tử. Hai lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu COVID-19.