Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tham dự Hội thảo có: PGS, TS. Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin; GS, TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch CLB Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (FISU); TS. Nguyễn Văn Căn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu Cần Công an nhân dân; ông Nguyễn Thế Hảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các trường, viện nghiên cứu trên toàn quốc.
Về phía Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội có PGS, TS. Trần Đức Qúy, Hiệu trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; PGS, TS. Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; cùng các giảng viên và sinh viên nhà trường.
Năm nay, chủ đề chính của Hội thảo là “Sản xuất thông minh”. Có thể nói, đây là một xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng tại các doanh nghiệp hiện nay, với trụ cột là các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, tăng năng xuất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giúp nền kinh tế phát triển bền vững thông qua tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí nhân công và giải phóng sức lao động.
Phát biểu khải mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Kể từ Hội thảo lần thứ I được tổ chức tại Vĩnh Phúc do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đăng cai, đến nay Hội thảo đã trải qua 25 năm liên tục và là một trong những diễn đàn lớn nhất của giới Công nghệ thông tin Việt Nam, với hàng nghìn bài báo đã được công bố, chia sẻ. Chúng tôi hi vọng rằng, thông qua diễn đàn này sẽ giúp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông có thể trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia báo cáo trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của mình”.
TS. Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Ban chương trình của Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin cho biết: “Hội thảo quốc gia VNICT 2022 năm nay được tổ chức thành công ngoài sự nỗ lực của hai đơn vị đồng tổ chức và các đơn vị hỗ trợ còn có sự nhiệt tình tham gia gửi bài của hàng trăm tác giả trong cả nước, cũng như gần 200 lượt thầy cô và các chuyên gia đã dành thời gian đọc và cho ý kiến đánh giá về các bài gửi đăng Hội thảo”.
PGS, TS. Nguyễn Long Giang, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội thảo
Mở đầu Hội thảo là 02 báo cáo mời của PGS, TS. Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật mật mã và TS. Võ Sỹ Nam, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData với 02 chủ đề lần lượt là “Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong An toàn thông tin” và “Các nghiên cứu liên quan đến giải mã hệ gen và giới thiệu dự án 1000 Gen người của Viện VinBigDate”. Đây là những chủ đề đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã có rất nhiều câu hỏi cũng như những ý kiến khác nhau được đưa ra trao đổi về hai chủ đề này.
Bên cạnh đó, báo cáo tại các Tiểu ban của Hội thảo cũng thể hiện mọi hoạt động của cộng đồng công nghệ thông tin trong các hướng nghiên cứu cơ bản, triển khai ứng dụng, đào tạo và quản lý và được phân bổ theo các chủ đề chính bao gồm: Trí tuệ nhân tạo; Học máy; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Tin-Sinh học; An toàn thông tin; Truyền thông và mạng máy tính;…
Năm nay, Hội thảo đã có gần 100 bản thảo gửi bề Ban chương trình. Sau khi gửi phản biện nghiêm túc, khoa học và khách quan đã có 49 bài báo được chấp nhận đăng trên Kỷ yếu của Hội thảo; 04 bài đăng trên Ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin (Tạp chí An toàn thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ); 07 bài đăng trên chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (Tạp chí Thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng nhiều chuyên san tạp chí khoa học khác trên toàn quốc.
Tạp chí An toàn thông tin là đơn vị phối hợp và truyền thông cho Hội thảo trong 2 năm liên tiếp (2021, 2022) đã thực hiện kêu gọi bài viết cũng như tích cực truyền thông cho Hội thảo đến nhiều độc giả trên cả nước. Cùng với Ban tổ chức, Tạp chí đã lựa chọn những bài có chất lượng cao để đăng trên chuyên san được tính điểm của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin).
Với lịch sử tổ chức lâu đời và thường niên từ năm 1997, Hội thảo VNICT 2022 là một diễn đàn để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm cũng như ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác phát triển.