Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương như Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh thành phố….
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ, trong thời gian gần đây, vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh..., tuy nhiên, những hiểm họa, nguy cơ mất an toàn thông tin, các hình thức tấn công mạng nguy hiểm ngày càng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy bị lộ lọt, giả mạo, sửa đổi trái phép. Mặt khác, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng không ngừng gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Vũ khí mạng xuất hiện ngày càng nhiều, chiến dịch tấn công mạng quy mô, có chủ đích gia tăng, nhằm phá hoại hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu. Ngày càng có nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây ra hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.
Đ/c Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Không nằm ngoài sự tác động từ tình hình chung trên thế giới và Việt Nam, nhiều mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng và Chính phủ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Nguy cơ mất an toàn thông tin rất đa dạng, xuất phát từ yếu tố con người, việc thực thi chính sách an toàn thông tin, cách thức sử dụng trang thiết bị và các dịch vụ công nghệ thông tin, cách thức tổ chức và quản lý hệ thống thông tin...
Trong bối cảnh đó, giám sát an toàn thông tin là một trong những hoạt động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường năng lực đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức của Đảng và Chính phủ, là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tác nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số. Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Chính phủ.
Tại Hội thảo, đ/c Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trình bày báo cáo sơ kết công tác giám sát bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2023, trong đó nêu rõ, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh triển khai giám sát an toàn thông tin cho gần 40 hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống Chính phủ điện tử của các Bộ, ngành, địa phương và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm đã phát hiện và phối hợp ngăn chặn các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu, nhằm đánh cắp thông tin, dữ liệu, phá hoại, trinh sát thông tin, nhằm làm tê liệt các dịch vụ…. Điều này đã cho thấy tình hình mất an toàn thông tin số ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt thể hiện rõ khi có diễn biến về mặt chính trị, kinh tế.
Đ/c Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát An ninh mạng trình bày báo cáo tại Hội thảo
Trong năm 2023, Trung tâm đã kịp thời phát hiện gần 49 nghìn nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm, với nhiều hình thức và chủng loại vào hệ thống mạng các cơ quan trọng yếu của Đảng, Chính phủ. So với năm 2022 thì số lượng tấn công mạng năm 2023 đã gia tăng nhiều hơn, đặc biệt là các hình thức tấn công bằng mã độc nguy hiểm, tấn công có chủ đích. Các chiến dịch tấn công quy mô lớn, bài bản, có chủ đích, nhắm vào các đối tượng cụ thể để thu thập, đánh cắp thông tin diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng lớn bởi các chiến dịch tấn công mạng này.
Hội thảo cũng được lắng nghe một số tham luận đánh giá về hoạt động giám sát an toàn thông tin trong năm vừa qua, đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đáng chú ý như: Tham luận “Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trên mạng diện rộng của Đảng” do ông Đinh Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng trình bày đã nêu bật những kết quả tốt đẹp qua sự phối hợp giữa hai đơn vị về việc giám sát mạng công nghệ thông tin của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới hai bên sẽ cùng phối hợp tổ chức thêm nhiều buổi diễn tập định kỳ về quy trình vận hành giám sát, cảnh báo và ứng cứu sự cố.
Tham luận “Đánh giá hiệu quả công tác giám sát, đảm bảo an toàn thông tin hệ thống mạng công nghệ thông tin” của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ ra phương hướng trong thời gian tới sẽ cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát an toàn thông tin. Trong đó, đối với hệ thống của Tỉnh uỷ Đắk Nông thì Trung tâm cần phối hợp sớm để đẩy mạnh triển khai cho các hệ thống mới, đặc biệt là hệ thống mạng diện rộng của Tỉnh uỷ.
Tham luận “Giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống mạng công nghệ thông tin Bộ Tư pháp” của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã đánh giá cao về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị để đạt được những kết quả tốt đẹp trong hoạt động giám sát bảo đảm an toàn thông tin năm 2023 của Bộ Tư pháp. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát an toàn thông tin về các phân vùng chưa được triển khai giám sát.
Tại tham luận “Nhu cầu và phương hướng triển khai giám sát, đảm bảo an toàn thông tin”, đại diện Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, hệ thống mạng công nghệ thông tin của Đà Nẵng là một trong những hệ thống được đầu tư bài bản, quy mô, tương đối đầy đủ các giải pháp. Thời gian qua, công tác phối hợp giám sát, bảo đảm an toàn thông tin có kết quả tốt, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần phải thảo gỡ trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề về số lượng dữ liệu lớn các sự kiện khi mở rộng triển khai và giải pháp công nghệ như thế nào để hiệu quả khi phối hợp xử lý?
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đại Vũ, Phó Vụ trưởng phụ trách Tin học, Văn phòng Quốc hội đã nhấn mạnh, thời gian qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của hai đơn vị, đặc biệt là tại các kỳ họp Quốc hội, các cán bộ đã phối hợp thực hiện giám sát bảo đảm an toàn thông tin 24/7, trực tiếp tại Văn phòng Quốc hội, đã góp phần bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội.
Kết luận tại Hội nghị, đ/c Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng đã thay mặt Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ gửi lời cảm ơn tới các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Ban Cơ yếu Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian vừa qua. Đồng chí mong muốn rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị để ngành Cơ yếu Việt Nam không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát an toàn thông tin cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, đồng chí Phó Trưởng ban đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương xây dựng tốt kế hoạch triển khai trong giai đoạn tới.
Đại diện các tập thể có thành tích xuất sắc nhận Bằng khen của Ban Cơ yếu Chính phủ
Nhằm ghi nhận những đóng góp trong công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Chính phủ năm 2023, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tặng bằng khen cho 06 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm