Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86; Đại tá Đào Tuấn Hùng, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm An toàn thông tin; ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí An toàn thông tin; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, lữ đoàn, trung tâm thuộc Bộ Tư lệnh 86; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp; các nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin.
Hội thảo nhằm cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm giúp các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cơ quan, đơn vị có thể vận dụng vào công tác nghiên cứu, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Đây cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học, cơ quan và doanh nghiệp có cơ hội để trao đổi và hợp tác về những giải pháp đảm bảo an toàn thông tin hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thiếu tướng Tống Viết Trung đề nghị, Hội thảo tập trung vào một số vấn đề như: luận giải rõ hơn những thuận lợi, thời cơ, cũng như những khó khăn, thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; tính cấp thiết của vấn đề bảo đảm an toàn thông tin trong giai đoạn hiện nay, vai trò trách nhiệm của quân đội trong bảo đảm an toàn thông tin an ninh mạng quốc gia. Bên cạnh đó, trình bày những kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp về xác thực và mật mã, an ninh mạng và học máy, bảo mật và các dịch vụ mạng.
Ông Đào Tuấn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Đào Tuấn Hùng cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, công nghệ nano,... đã xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những đột phá chưa từng có trong lịch sử, là cơ hội cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đào Tuấn Hùng đề xuất các cơ quan chức năng của Chính Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, chỉ đạo sâu sắc hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ về an toàn thông tin. Trên cơ sở đó, tiếp tục thống nhất định hướng, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường nâng cao nhận thức, đổi mới, tạo bước đột phá về khoa học - công nghệ nói chung, về an toàn thông tin nói riêng.
Hội thảo đã diễn ra Phiên toàn thể vào buổi sáng, 02 Phiên chuyên đề “An ninh mạng và học máy” và “Bảo mật phần cứng và hệ thống” vào buổi chiều. Điểm nổi bật của Hội thảo là các bài viết tham dự có hàm lượng khoa học cao, đã được đánh giá phản biện bởi các nhà khoa học chuyên ngành có uy tín trong toàn quốc. Nội dung Hội thảo tập trung vào tình hình an toàn thông tin trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những nguy cơ, thách thức lớn khi xảy ra các cuộc tấn công mạng có chủ đích vào nhiều tổ chức quan trọng; các công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng vào các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin…
Các bài tham luận tại Hội thảo đã trình bày các giải pháp hữu hiệu, thiết thực để chủ động phòng ngừa, đối phó với các nguy cơ mất an toàn thông tin. Đây là các công trình nghiên cứu, cũng như kết quả của quá trình lao động trí tuệ vất vả, công phu, nghiêm túc, thể hiện lòng nhiệt huyết, đam mê với khoa học - công nghệ và trách nhiệm chính trị đối với sự phát triển của đất nước, góp phần tích cực để Việt Nam nhanh chóng đón bắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó thúc đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà các quốc gia phải đối mặt, nhất là về vấn đề an toàn thông tin. Các đại biểu cho rằng, với khả năng kết nối vô hạn của mạng thông tin toàn cầu, tấn công mạng sẽ càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở mục đích thu thập thông tin bí mật mà còn nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, thậm chí trở thành những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống khi xung đột vũ trang xảy ra.
Trong khi đó, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về an toàn thông tin chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia đầu ngành về quản lý an toàn thông tin của quốc gia còn thiếu. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, mặc dù đã được đầu tư nhưng còn thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Hội thảo nhấn mạnh tính cấp thiết và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu phòng, chống nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số hiện nay.
Tại phiên tọa đàm “An ninh mạng quốc gia trong Cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng, thách thức và giải pháp” do PGS,TS Nguyễn Hiếu Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) chủ trì, các diễn giả và đại biểu tham dự đã trao đổi về tình hình an ninh mạng quốc gia hiện nay, bao trùm nội dung xuyên suốt của Hội thảo là các chính sách, chiến lược, xu hướng và thách thức của an ninh mạng quốc gia hiện có và đang đối mặt.
Toàn cảnh Tọa đàm tại Hội thảo
Hội thảo được tài trợ bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Công ty Cổ phần Tin học Mi2, Công ty Thông tin M1 - Viettel, Công ty Misoft, Công ty An ninh mạng Viettel và Công ty Elcom. Các nhà tài trợ đã có những gian hàng trình diễn tại Hội thảo, giúp giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tiên tiến, nội bật nhất cho các cơ quan, đơn vị và những người tham dự.
Thiếu tướng Tống Viết Trung trao kỷ niệm chương cho các nhà tài trợ