CNBC dẫn dữ liệu phân tích của công ty Elliptic (Anh) cho thấy các tổ chức phi chính phủ và tình nguyện tại Ukraine đã huy động được 4,1 triệu USD dưới dạng tiền mã hóa.
Tính riêng hôm 24/2, một tổ chức đã nhận được hơn 675.000 Bitcoin. Con số này tăng lên hơn 3,4 triệu USD vào sáng 25/2. Thông thường, các tổ chức này nhận tiền quyên góp từ nhà tài trợ tư nhân thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc ứng dụng thanh toán. Tuy nhiên, sự nổi lên của Bitcoin đã biến tiền mã hóa trở thành phương tiện tài trợ xuyên biên giới.
“Tiền mã hóa đặc biệt phù hợp với hoạt động gây quỹ quốc tế nhờ khả năng xuyên biên giới và chống kiểm duyệt. Không cơ quan trung ương nào có thể chặn các giao dịch, ngay cả các lệnh trừng phạt”, Tom Robinson, trưởng nhóm nghiên cứu tại Elliptic cho biết.
Nguồn tin CNBC dự kiến, số tiền mã hóa này sẽ được các tổ chức sử dụng để tăng cường thiết bị quân sự, vật tư y tế hay công nghệ cho quân đội Ukraine.
Come Back Alive, một tổ chức tình nguyện tại nước này đã bắt đầu chấp nhận tiền mã hóa từ năm 2018. Ngoài các nhu cầu cơ bản, nhóm cũng tài trợ cho việc phát triển hệ thống trinh sát và nhắm mục tiêu trên máy bay không người lái cho các đơn vị pháo binh tại Ukraine.
Bên cạnh tiền mã hóa, một số nhóm tình quyền khác chấp nhận tài sản số như NFT.
Giữa bối cảnh chiến sự căng thẳng, hệ thống chuyển tiền của nhiều ngân hàng Ukraine đã bị tê liệt, buộc người dân phải chuyển sang giao dịch tiền mã hóa.
Kuna - một sàn giao dịch tiền mã hóa phổ biến ở Ukraine chia sẻ, người dùng trong nước đang trả thêm tiền để mua stablecoin Tether (USDT).
“Chúng tôi không tin tưởng vào chính phủ. Chúng tôi không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng. Chúng tôi không tin tưởng vào đồng nội tệ. Đa số mọi người không còn lựa chọn nào khác ngoài tiền mã hóa”, Michael Chobanian, người sáng lập Kuna cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Coindesk.