Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước, mối nối cuối cùng đã được hoàn tất trong trưa ngày 22/1. Đến trưa 23/1, những công đoạn còn lại như gia cố, chôn cáp... sẽ được hoàn tất. Như vậy, việc sửa cáp quang AAG đã xong trước một ngày so với dự kiến.
Cáp quang biển AAG đã được khôi phục gần như hoàn toàn trong hôm nay
Hiện tại, tốc độ truy cập vào các website quốc tế như Google, Facebook, YouTube... đã trở lại bình thường. Đây là tin vui đối với người dùng Internet trong nước sau 17 ngày cáp quang biển gặp sự cố.
Trước đó, vào 8h04 phút ngày 5/1/2015, đã xảy ra sự cố khiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1H, cách trạm Vũng Tàu 117 km, khiến lưu lượng truy cập Internet đi quốc tế của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng. Trong năm 2014, có hai lần tuyến cáp này bị đứt cũng ở đoạn Vũng Tàu đi Hong Kong, quá trình sửa chữa mất nhiều thời gian. Kể từ khi hoạt động đến nay, có ít nhất 8 lần đoạn cáp trên bị đứt.
Vào năm 2007, tại Malaysia,19 nhà viễn thông lớn của châu Á Thái Bình Dương và Mỹ (trong đó có AT&T của Mỹ, TELKOM của Indonesia, Telekom của Malaysia, FPT Telecom, Saigon Postel Corporation, Viettel, VNPT của Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến cáp quang biển nối giữa hai khu vực. Đến năm 2009, tuyến cáp quang dài 20.000 km nói trên đi vào hoạt động, tạo kết nối thông suốt giữa Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Hong Kong, Philippines, đảo Guam, Hawaii và bờ Tây nước Mỹ.
AAG chỉ là một trong số hàng chục tuyến cáp quang biển trên thế giới, giúp kết nối hệ thống Internet giữa các châu lục.
|