Khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ XVI: "Khoa học dữ liệu trong chuyển đổi số"

12:14 | 28/09/2023

Sáng ngày 28/9, tại thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ XVI (FAIR 2023) với chủ đề "Khoa học dữ liệu trong chuyển đổi số". Sự kiện thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, các học viện, trường đại học trên cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị Khoa học Quốc gia lần thứ XVI

Tham dự Hội nghị, có các nhà khoa học: GS.TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức Hội nghị; PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin; GS.TS. Đặng Quang Á, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS.TS. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Trường ĐHSPKT.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Vũ Đức Thi cho biết: “Hiện nay, thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong cuộc cách mạng này, công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Mặt khác, nước ta đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, chúng ta xây dựng nền kinh tế dựa trên nền công nghệ cao, trong đó nước ta đang tiến hành quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, quá trình này đang diễn ra rất sôi động. Vì vậy, Hội nghị FAIR 2023 chính là một diễn đàn để các nhà khoa học làm công tác công nghệ thông tin, đặc biệt các cán bộ ở các trường Đại học và các Viện nghiên cứu trong cả nước, trình bày các kết quả mới nhất của mình và trao đổi các kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng về công nghệ thông tin”.

GS.TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị FAIR 2023 với chủ đề “Khoa học dữ liệu trong chuyển đổi số” được diễn ra trong 02 ngày 28-29/9/2023 với 02 phần chính: Khai mạc Hội nghị và Báo cáo mời phiên toàn thể; Báo cáo các phiên tiểu ban chuyên đề.

Phiên toàn thể được bắt đầu bằng 04 báo cáo mời của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin trình bày bao gồm: Báo cáo “So sánh các chiến lược dự báo chuỗi thời gian nhiều bước bằng cách sử dụng mô hình dự đoán dựa trên Machine-Learning” của PGS.TS. Dương Tuấn Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM; Báo cáo “Tiến hoá đa nhiệm: Các nghiên cứu gần đây và ứng dụng” của PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội; Báo cáo: “Sử dụng trí tuệ nhân tạo cho quy trình hiệu chuẩn hóa học” của GS.TSKH Lê Thành Nhân, Viện Công Nghệ Quốc Tế DNIIT - Đại Học Đà Nẵng; Báo cáo “Xử lý văn bản quy phạm pháp luật tiếng Việt” của GS.TS Từ Minh Phương và PGS.TS Ngô Xuân Bách, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Các phiên tiểu ban chuyên đề được chia thành 06 tiểu ban về Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, Khoa học dữ liệu, Hệ thống thông tin, Xử lý ảnh và thị giác máy tính, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Mạng và kỹ thuật máy tính.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Việc Trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đại diện cho Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội nghị FAIR 2023 là vô cùng ý nghĩa, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển đào tạo và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Trường cũng như tất cả các trường thành viên khác của Đại học Đà Nẵng, các cơ sở đào tạo, của thành phố Đà Nẵng và các địa phương khu vực niền Trung và Tây Nguyên”.

PGS. TS. Phan Cao Thọ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị lần này, Học viện Kỹ thuật Mật mã và Viện Khoa học - Công nghệ Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ đóng góp 3 báo cáo: “ Ứng dụng lược đồ ZKP Fiat-Shamir vào giao thức trao đổi khoá Diffie-Hellman trên trường hữu hạn” ; “Phương pháp xây dựng mạch lượng tử cho Sbox có thể xác định được ma trận Unita biến đổi” và "Building Key-Dêpndent xor tables for AES based on hadamard matrices". Các báo cáo thu hút sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu, các nhà khoa học.

Có thể thấy, FAIR 2023 là sự kiện khoa học có uy tín cao, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, giảng viên, sinh viên đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin.

Năm nay, Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được 155 bài báo khoa học từ gần 100 trường đại học khắp cả nước. Mỗi bài báo được đánh giá bởi 02 phản biện độc lập. Sau vòng phản biện, Ban Chương trình đã chọn ra 96 bài báo tốt nhất dựa trên các tiêu chí là tính mới (đóng góp mới về mặt khoa học), tính khả khi (đã được kiểm nghiệm và cho kết quả tốt), tính thực tiễn (đã ứng dụng vào thực tiễn và mang lại kết quả tốt) và đáp ứng các yêu cầu về hình thức, nội dung (độ trình lặp không quá 20% khi kiểm tra bằng các phần mềm chuyên dụng).

Tỉ lệ bài báo được giữ lại để mời báo cáo tại Hội nghị FAIR 2023 trên tổng số bài báo nộp cho Hội nghị là gần 62%. Chất lượng các bài báo năm nay khá tốt và bao phủ hầu hết các lĩnh vực liên quan đến khoa học máy tính, nhất là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Các báo cáo xuất sắc nhất tại Hội nghị sẽ được lựa chọn và đăng trên Kỷ yếu Báo cáo khoa học của FAIR.

PGS.TS. Dương Tuấn Anh trình bày báo cáo mời tại Hội nghị

Tại Hội nghị, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng – đại diện đơn vị đăng cai tổ chức FAIR 2022 và GS.TS. Vũ Đức Thi, Trưởng ban tổ chức Hội nghị đã thực hiện trao cờ đăng cai Hội nghị FAIR 2024 cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Với nền tảng là những thành quả, uy tín đã đạt được qua 16 lần tổ chức, Hội nghị FAIR đã góp phần giúp thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Trao cờ đăng cai Hội nghị FAIR 2024 cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị