Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức… đã tới tham dự lễ khai trương.
Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ, tham dự buổi Lễ có đồng chí Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Toàn cảnh Lễ khai trương
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Hệ thống e-Cabinet, ngày 27/02/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã có Quyết định số 168/QĐ-VPCP phê duyệt Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ.
Hệ thống e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau 3 tháng làm việc khẩn trương, Văn phòng Chính phủ, Viettel, Ban Cơ yếu Chính phủ, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã xây dựng hoàn thành hệ thống e-Cabinet với các chức năng đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Quy trình tạo, trình và phê duyệt phiếu lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ; Quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các Thành viên Chính phủ; Quy trình chuẩn bị cuộc họp của Chính phủ; Quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ và Quy trình ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ.
Đồng chí Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu chính phủ (thứ 4 từ trái sang) tham dự Lễ khai trương
Bên cạnh đó, hệ thống e-Cabinet được xây dựng theo yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật cao, sử dụng mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu đảm bảo an toàn hạ tầng mạng, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web, máy tính bảng.
Thông qua e-Cabinet, VPCP có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng. Các thành viên Chính phủ sẽ nhận được phiếu lấy ý kiến tức thời và dễ dàng phản hồi ý kiến ngay trên các thiết bị di động iPad. Các ý kiến của thành viên Chính phủ sẽ được hệ thống tự động tổng hợp và trả lại kết quả cuối cùng để VPCP thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng thông qua hệ thống e-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Sau khi nhận được thông báo lịch họp từ hệ thống, các thành viên Chính phủ có thể xác nhận tham gia hoặc cử người tham gia thay; Nghiên cứu trước các tài liệu của phiên họp; Cho ý kiến và đăng ký phát biểu trước phiên họp thông qua thiết bị di động iPad.
Trong cuộc họp, các thành viên Chính phủ có thể xem và tra cứu tài liệu, cho ý kiến về các nội dung họp, đăng ký phát biểu và thực hiện biểu quyết có ký số.
Sau khi kết thúc phiên họp, VPCP dự thảo Nghị quyết và lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ ngay trên hệ thống, giúp việc thông qua dự thảo được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn thời gian ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ.
Theo ước tính, trong năm 2019, việc đưa vào sử dụng e-Cabinet sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ so với các năm trước. Các Thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến, xử lý công việc khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.
Hệ thống e-Cabinet giúp giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các cuộc họp, tiết kiệm nhân lực, chi phí in ấn, sao chụp, vận chuyển, phát hành, thu hồi, tiêu hủy văn bản giấy. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).
Đặc biệt, hệ thống e-Cabinet hỗ trợ quản lý đồng bộ, đầy đủ, khoa học, an toàn toàn bộ các thông tin, văn bản, hồ sơ liên quan đến từng phiên họp Chính phủ, từng vấn đề xin ý kiến Thành viên Chính phủ trên môi trường điện tử, thuận lợi trong tra cứu, sử dụng, xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hệ thống.
Việc đưa hệ thống e-Cabinet đi vào hoạt động cùng với Trục liên thông văn bản quốc gia (đã được khai trương ngày 12/3/2019) là những kết quả bước đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Tới đây, VPCP dự kiến sẽ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia vào tháng 11/2019. Đây là quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là sự thay đổi phong cách làm việc theo hướng quản trị hiện đại. Từ đó, là sở cứ để xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.