Không để xảy ra sự cố lộ, lọt dữ liệu đối với hệ thống e-Cabinet

09:27 | 25/06/2019

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc phát triển và vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) sáng nay (24/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Văn phòng Chính phủ (VPCP) cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Ban Cơ yếu Chính phủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hệ thống e-Cabinet, không để xảy ra sự cố lộ, lọt thông tin.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo của VPCP, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Viettel, Ngân hàng thế giới và Đại sứ các nước trong việc xây dựng thành công hệ thống e-Cabinet trong thời gian rất ngắn.

Thủ tướng cho rằng, việc khai trương hệ thống e-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng CNTT trong xử lý công việc. Đây là một phương thức làm việc mới, chuyển đổi từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử; Tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, đáp ứng xử lý công việc kịp thời.

“Việc chuyển sang phương thức làm việc mới chắc chắn sẽ gặp phải những e ngại, đôi khi còn thấy nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, bởi đó là xu thế tất yếu, không loại trừ quốc gia nào. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống e-Cabinet” Thủ tướng nhấn mạnh.

Để triển khai hiệu quả hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị VPCP, các Bộ, ngành liên quan thực hiện 04 nội dung:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý để hệ thống e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, các vấn đề chính là quy định chia sẻ và lưu trữ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, củng cố hạ tầng thông tin bảo đảm sự thuận lợi, an ninh, an toàn thông tin, chống lại tin tặc, tấn công mạng với các hình thức phá hoại hệ thống thông tin.

Thứ ba, phát triển hệ thống, phần mềm phù hợp nội dung hoạt động, điều kiện riêng của Việt Nam. Thủ tướng nhận định, chúng ta cần có một e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam, vừa phù hợp với xu hướng của thế giới, nhưng phải phù hợp với sự phát triển của Việt Nam, không áp dụng máy móc mô hình nước ngoài.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị thành viên Chính phủ nâng cao tinh thần tiên phong, quyết liệt trong việc sử dụng, vận hành hệ thống e-Cabinet. VPCP tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện hệ thống trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 44

Phiên họp Chính phủ “không giấy tờ” đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet

Ngay sau khi hệ thống e-Cabinet chính thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ “không giấy tờ” đầu tiên qua hệ thống này.

Phiên họp nhằm cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Tham dự phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng 6 đồng chí. Các thành viên Chính phủ vắng mặt theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động từ xa.

Báo cáo với Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết do Bộ TT&TT chủ trì trình Chính phủ với mục tiêu xây dựng chính sách tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, Tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Có 2 nhóm chính sách chính: Quy định hình thức định danh và xác thực điện tử, để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức định danh và xác thực điện tử; quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đồng thời, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử.

Thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet

Trong quá trình xây dựng, Bộ TT&TT đã xin ý kiến của 29 bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố; xin ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng thông tin điện tử. Bộ TT&TT đã lấy ý kiến thẩm định, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Như vậy, về cơ bản đã đủ các điều kiện để xin ý kiến thành viên Chính phủ. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua Hệ thống e-Cabinet. Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và không còn ý kiến khác nhau, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin thêm.

Phiên họp được tiến hành biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet. Kết quả có 25/27 thành viên Chính phủ đã biểu quyết đồng ý thông qua dự thảo Nghị quyết về đề nghị xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử (trong đó có 4 thành viên Chính phủ thực hiện biểu quyết từ xa).

Với kết quả này, VPCP đã làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết. Thông qua thiết bị iPad, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện ký bằng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ, ban hành Nghị quyết 44 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Toàn bộ thời gian Phiên họp Chính phủ, đến khi Thủ tướng ban hành Nghị quyết chỉ diễn ra trong hơn 10 phút.

Trước xu thế phát triển Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội thì việc đảm bảo an toàn thông tin cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang chịu trách nhiệm trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Một số kết quả đã đạt được như:

- Đảm bảo an toàn thông tin trong Trục liên thông văn bản quốc gia: Triển khai sử dụng các máy chủ bảo mật với Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối của các Bộ/ngành/địa phương trên nền tảng công nghệ X-ROAD.

- Bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật hệ thống e-Cabinet sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu đảm bảo an toàn hạ tầng mạng, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web, máy tính bảng.