Trong cuộc họp, ông Biden đã đề cao vai trò của các tập đoàn kinh tế then chốt và đề nghị các tập đoàn này cùng chung tay với chính phủ nhiều hơn nữa để tháo gỡ những hậu quả do an ninh mạng gây ra.
Trong số những vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị này, Tổng thống Biden đã đề cập đến vai trò và trách nhiệm của các tập đoàn đối với những thách thức về tấn công mạng, dự thảo luật và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng của chính phủ Mỹ.
“Hầu hết các hạ tầng trọng yếu của chúng ta được sở hữu và vận hành bởi khối tư nhân, và chính quyền liên bang không thể đơn độc đối mặt với thách thức này”, tại Hội nghị ông Biden chia sẻ rằng: “Tôi đã mời mọi người đến đây hôm nay bởi vì mọi người có sức mạnh, năng lực và trách nhiệm mà tôi tin là có thể nâng cao sự phòng vệ trên lĩnh vực an ninh mạng”.
Ngay sau cuộc họp, đại diện của các tập đoàn công nghệ đã có những tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với Chính phủ liên bang, cũng như các cam kết về tài chính cũng như đào tạo nguồn lực nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên không gian mạng. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo của khối doanh nghiệp tư nhân này cũng đánh giá cao ý nghĩa của cuộc họp là “đúng thời điểm” khi mà vấn đề tấn công mạng đang ngày càng lan rộng và liên tục hướng vào người dân, tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới.
Lãnh đạo của các tập đoàn tham gia Hội nghị
Giám đốc điều hành của Google, Sundar Pichai thông báo công ty này sẽ đầu tư hơn 10 tỷ USD vào an ninh mạng trong 5 năm tới để mở rộng các chương trình "Zero-Trust" – chương trình được thiết kế để bảo vệ các mạng kỹ thuật số bằng cách hạn chế quyền kiểm soát truy cập của người dùng. Microsoft cam kết chi 20 tỷ đô trong vòng 5 năm tới để khởi động việc tích hợp các giải pháp bảo mật tiên tiến vào thiết kế sản phẩm và giải ngân 150 triệu đô để giúp chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, bao gồm quan hệ đối tác với các trường cao đẳng cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận trong việc đào tạo an ninh mạng.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, Tổng thống Biden cũng đặt ra vấn đề về sự chia sẻ và minh bạch thông tin từ các bên sau các sự cố mạng. Vấn đề mà trong nhiều tháng qua, các nhà lập pháp của Mỹ đã phải vật lộn với các câu hỏi về việc liệu có nên bắt buộc báo cáo đối với các công ty tư nhân bị nhắm mục tiêu bởi các phần tử ransomware hay không. Vào tháng trước, một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng - bao gồm: Thượng nghị sĩ Mark Warner, Marco Rubio và Susan Collins - đã đề xuất một dự luật mạng mà nếu được thông qua, sẽ buộc các cơ quan chính phủ liên bang, các nhà thầu liên bang và các nhà điều hành cơ sở hạ tầng quan trọng phải thông báo cho Cơ quan quản lý hạ tầng và an ninh mạng (CISA) cũng như Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) về sự cố an ninh mạng trong vòng 24 giờ kể từ khi xác nhận bị tấn công .
Vấn đề về thiếu hụt nguồn nhân lực về an ninh mạng cũng là một bài toán được đặt ra nhằm giải quyết các vấn đề của Mỹ trong việc đối phó với tấn công mạng. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, trong toàn nền kinh tế Mỹ hiện nay có khoảng 500.000 công việc an ninh mạng chưa được lấp đầy. Trong khi đó, đa số các nghề nghiệp liên quan đến an ninh mạng cần phải có 4 năm nghiên cứu về lĩnh vực khoa học máy tính. Thực hiện giải pháp tạm thời cho vấn đề này, sau cuộc họp Google đã cam kết sẽ đào tạo 100.000 người Mỹ thông qua chương trình chứng chỉ về phân tích dữ liệu và hỗ trợ công nghệ. IBM cam kết đào tạo hơn 150.000 người về kỹ năng an ninh mạng trong vòng ba năm. Apple cũng hứa sẽ làm việc với hơn 9.000 nhà cung cấp của mình tại Mỹ để thúc đẩy việc áp dụng hàng loạt các biện pháp nhằm “giữ sạch” mạng bao gồm xác thực đa yếu tố, đào tạo bảo mật, khắc phục lỗ hổng, ghi nhật ký sự kiện và ứng phó sự cố.
Cùng với sự quyết liệt của chính quyền Biden và những tuyên bố của các tập đoàn công nghệ sau cuộc họp thì vấn đề về an ninh mạng của Mỹ được cho là sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới với các chính sách bảo mật mới đầy tiềm năng.