Khuôn khổ pháp lý đầu tiên về trí tuệ nhân tạo đã được thông qua

14:07 | 14/12/2023

Ngày 8/12 vừa qua, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc đối với việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được coi là văn bản mang tính bước ngoặt, là nền tảng để xây dựng bộ quy tắc đầy đủ về trí tuệ nhân tạo, cũng là khuôn khổ pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này.

Sau 37 giờ liên tục đàm phán, các nước thành viên Liên minh Châu Âu và các nhà lập pháp đã thống nhất được những điều khoản chính trong bộ quy tắc quản lý trí tuệ nhân tạo của khối này. Cuộc đàm phán giữa đại diện Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP), trong đó ba nước Pháp, Đức và Ý đã đại diện Hội đồng châu Âu yêu cầu thay đổi một số điều khoản nhằm nới lỏng đạo luật. Trong khi đó, các đại diện Nghị viện châu Âu lại phản đối kịch liệt đề nghị này. Tuy nhiên, các bên đã tiến tới sự thống nhất sau khi cân bằng được những yếu tố về mức độ an toàn và khả năng phát triển, ứng dụng AI.

Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ - Thierry Breton chia sẻ đây là một ngày lịch sử. Đạo luật này không chỉ là các quy tắc, đó là bệ phóng cho các công ty khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu châu Âu dẫn đầu cuộc đua toàn cầu, vì những gì công dân châu Âu mong muốn là một công nghệ đáng tin cậy.

Đạo luật AI của EU sẽ áp dụng hướng tiếp cận hai cấp độ. Mô hình AI nào có mức độ rủi ro càng cao sẽ đối mặt quy định quản lý càng nghiêm ngặt. Cụ thể, những mô hình AI đa dụng như ChatGPT hoặc các ứng dụng AI tạo sinh hình ảnh, âm thanh... cần đáp ứng những yêu cầu về tính minh bạch. Theo thỏa thuận sẽ bào gồm việc cấm sử dụng AI đối với công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc các hình thức nhận diện sinh trắc học khác, ngoại trừ một số trường hợp phục vụ công tác hành pháp được nêu rõ trong luật. Trong một thông cáo báo chí, EP khẳng định đạo luật AI nhằm bảo đảm rằng các quyền cơ bản, dân chủ, pháp quyền được bảo vệ trước những công cụ AI gây rủi ro cao, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đưa châu Âu trở thành nơi dẫn đầu về lĩnh vực này.

Ủy ban châu Âu sẽ sớm phải thành lập Cơ quan Trí tuệ nhân tạo châu Âu, với thẩm quyền đưa ra mức phạt ít nhất 35 triệu euro và tối đa lên tới 7% doanh số của công ty vi phạm các quy định sẽ được đưa ra trong Đạo luật.

Theo quy định, đạo luật AI của châu Âu vẫn cần phải được các quốc gia thành viên và quốc hội thông qua để có hiệu lực, nhưng thỏa thuận lần này được coi là rào cản lớn cuối cùng. Luật này dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới sau khi cả hai bên chính thức phê chuẩn và sẽ áp dụng hai năm sau đó.

Với thành công của thỏa thuận, EU tiến tới trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới ban hành các quy tắc về quản lý AI.