Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai

12:40 | 12/09/2015

Sáng 12/9/2015, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2015) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Đến dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đ/c Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương....

Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các Hệ Cơ yếu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu tham dự buổi Lễ kỷ niệm

Đọc diễn văn tại buổi Lễ, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh: Ngày 12/9/1945, tổ chức Mật mã đầu tiên - tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam, được thành lập tại Bộ Tổng tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ra đời trong điều kiện lịch sử vô cùng khó khăn, gian khổ; trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù còn nhiều khó khăn về trang thiết bị kỹ thuật mật mã và phải đối mặt với kỹ thuật thu tin mã thám hiện đại của đối phương có tiềm lực khoa học và quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Nhưng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngành Cơ yếu đã vượt qua muôn vàn thử thách, chủ động sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng các loại hình kỹ thuật mật mã, bảo đảm bí mật tuyệt đối các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các Chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương trên các mặt trận quốc phòng, an ninh, ngoại giao… mà đỉnh cao là chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam đã kịp thời tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực Cơ yếu. Những văn bản trên đã góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng để xây dựng, phát triển Ngành Cơ yếu Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại. 

Trong 70 năm qua, dù ở giai đoạn nào Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đặc biệt từ năm 2011, thực hiện Luật cơ yếu và được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin (BM&ATTT), đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về Cơ yếu. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang, Ban và ngành Cơ yếu đã tích cực triển khai có hiệu quả Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hệ thống Giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin (CNTT) trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã; thường xuyên chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người làm công tác Cơ yếu, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

Những thành tích thầm lặng nhưng rất vẻ vang mà Ngành Cơ yếu Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần tận tụy, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên cơ yếu; đặc biệt là sự hy sinh quên mình của gần 800 liệt sỹ cơ yếu qua các cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985), Huân chương Sao vàng (năm 2005); nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành được phong tặng anh hùng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai, vì đã có “công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Đồng chí Đặng Vũ Sơn cũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến gần 800 liệt sỹ Cơ yếu đã anh dũng hy sinh; cảm ơn sâu sắc công lao to lớn của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ Cơ yếu đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cám ơn các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cơ yếu các thời kỳ đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt 70 năm qua. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Cơ yếu

Đồng chí khẳng định, trong giai đoạn tới, phát huy truyền thống vẻ vang trong 70 năm qua, ngành Cơ yếu Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về Cơ yếu. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được bí mật, chính xác kịp thời trong mọi tình huống. Triển khai các chương trình, đề án, dự án trọng điểm trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam; tham mưu với Đảng, Nhà nước các biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của ngành Cơ yếu Việt Nam. Tập trung triển khai thực hiện tốt 3 khâu đột phá: Một là, xây dựng và nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ; ưu tiên đào tạo các cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia trình độ cao có khả năng nghiên cứu làm chủ khoa học - công nghệ. Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ mật mã nhằm thiết kế, chế tạo hệ thống trang thiết bị mật mã của ngành Cơ yếu Việt Nam đảm bảo tính đồng bộ, triển khai trên các mạng liên lạc Cơ yếu (Quân đội, Công an, Ngoại giao, Đảng - Chính quyền); bảo mật các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, các hệ thống thông tin chỉ huy điều hành và các hệ thống vũ khí công nghệ cao; có khả năng ngăn chặn các hình thức thu tin, mã thám của đối phương. Ba là, nâng cao năng lực và hiện đại hóa các cơ sở sản xuất trang thiết bị mật mã của ngành Cơ yếu với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, thường xuyên chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đối với người làm công tác Cơ yếu. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống âm mưu và các thủ đoạn móc nối vào nội bộ ngành Cơ yếu của các thế lực thù địch để đánh cắp nội dung thông tin bí mật nhà nước và bí mật mật mã….

Trong không khí trang trọng của Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Ban Cơ yếu Chính phủ. Phần thưởng cao quý trên thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, cống hiến xứng đáng của ngành Cơ yếu Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn vừa qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng sự trưởng thành và ghi nhận những chiến công, thành tích vẻ vang của ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. 70 năm qua, dù trong bất cứ điều kiện khó khăn, thử thách nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận thầm lặng, bảo vệ thông tin cơ mật, trọng yếu của Đảng, Nhà nước, để viết nên truyền thống vẻ vang: “Trung thành, Tận tuỵ, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo”, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước cho rằng, trong những năm tới tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường, đặc biệt là tình hình biên giới, biển đảo. Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh và đối ngoại được giữ vững, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là CNTT và viễn thông, các thế lực thù địch tăng cường các thủ đoạn thu tin, mã thám, mua chuộc, cài cắm, móc nối vào nội bộ, nhằm đánh cắp nội dung thông tin bí mật Nhà nước; chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu.... Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản quan trọng, với chủ trương đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT và tăng cường công tác BM&ATTT trong tình hình mới.

Chủ tịch nước khẳng định, bối cảnh trên đặt ra cho ngành Cơ yếu những thách thức mới, ngành Cơ yếu là một Ngành khoa học kỹ thuật cơ mật, đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia; trong giai đoạn hiện nay, ngành Cơ yếu cần được đặc biệt quan tâm và ưu tiên đầu tư tạo sự đột phá để đưa Ngành tiến nhanh lên chính quy và hiện đại. Đồng thời, ngành Cơ yếu cần tiếp tục phát huy vai trò của một lực lượng chuyên trách bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mât, an toàn thông tin quốc gia, đặc biệt là trong quản lý Nhà nước về Cơ yếu theo tinh thần Chỉ thị 41-CT/TW, Kết luận 89-KL/TW của Bộ Chính trị, Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ... Triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội, ngoại giao, cơ yếu, thông tin và truyền thông trong việc bảo vệ an ninh, an toàn thông tin và bí mật nhà nước. Huy động tiềm lực KH-CN trong cả nước để nghiên cứu, thiết kế chế tạo các trang thiết bị mật mã Việt Nam với công nghệ tiên tiến, phù hợp với đặc thù công tác trong các lực lượng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển CNTT-VT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế xã hội. Chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức Cơ yếu thống nhất, chặt chẽ; có chế độ công tác nghiêm ngặt; có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên và có chính sách đặc thù thu hút nhân tài phục vụ cho ngành Cơ yếu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm cùng các Đại biểu dự lễ

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống vẻ vang và rất đáng tự hào, ngành Cơ yếu Việt Nam sẽ không ngừng phát triển, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là một trong các lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm Bảo tàng ngành Cơ yếu Việt Nam và tham quan, nghe giới thiệu về các sản phẩm mật mã hiện đại của Ngành Cơ yếu.

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai diễn ra thành công tốt đẹp. Buổi lễ đã khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Cơ yếu; qua đó nhân lên niềm phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, xứng đáng với truyền thống “Trung thành, Tận tuỵ, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam.