Ký ức về bản điện mật từ Đồn Biên phòng Pha Long

11:17 | 03/03/2021
Nguyễn Xuân Việt (Nguyên Trưởng phòng Cơ yếu BĐBP)

Nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (03/3/1959 – 03/3/2021), 32 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2021), Tạp chí An toàn thông tin xin gửi tới Quý bạn đọc bài viết để cùng ôn lại ký ức về bản điện mật từ Đồn Biên phòng Pha Long (Hoàng Liên Sơn, nay là tỉnh Lao Cai). Tuy đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng nội dung bức điện mật này vẫn còn hằn nguyên trong ký ức của những người lính Cơ yếu trực tiếp mã hoá và giải mã bản điện mật đó. Đây cũng chính là Bức điện mật cuối cùng trên đồn Pha Long.

Tại Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Biên phòng), những ngày đầu năm 1979, không khí làm việc hết sức khẩn trương và luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Những chuyến xe liên tục lên đường đưa các đoàn cán bộ tham mưu lên biên giới để kiểm tra, chỉ đạo công tác sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị biên phòng.

Tình hình biên giới nóng lên từng ngày. Phía Trung Quốc tiếp tục tăng quân, chở vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh áp sát biên giới. Cảnh giác trước hành động của địch, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã kịp thời chỉ thị cho các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc, chuẩn bị tinh thần tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đúng như nhận định. Rạng sáng ngày 17/02/1979, sau những đợt pháo kích cấp tập trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, địch đồng loạt tấn công các đồn chốt biên phòng thuộc 6 tỉnh biên giới, trong đó, tỉnh Hoàng Liên Sơn là một hướng tấn công chủ yếu của địch.

Riêng khu vực biên giới thuộc đồn biên phòng Pha Long phụ trách, địch đã sử dụng 2 trung đoàn bộ binh tấn công vào hướng chính diện. Mặc dù quân số địch áp đảo, nhưng sau 3 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng uý Trần Ngọc - Chính trị viên đồn. Cán bộ chiến sỹ của đồn và lực lượng cơ động biên phòng được tăng cường, đã đẩy lui các đợt tấn công của quân xâm lược, tiêu diệt hàng trăm tên địch, giữ vững trận địa. Tình huống ngày càng nguy cấp, quân chi viện phía sau chưa kịp tiếp cận, quân số đơn vị thương vong nhiều, đạn dự trữ đã cạn kiệt. Lúc này, chỉ còn lại một số cán bộ chiến sỹ phải chống chọi với lực lượng của địch được chi viện đông gấp bội. Dù cho địch bao vây kêu gọi đầu hàng, nhưng cán bộ chiến sỹ thề quyết chiến đấu đến người cuối cùng.

11 giờ ngày 19/02/1979, Chính trị viên Trần Ngọc quyết định viết bức điện báo cáo về Bộ Tư lệnh Biên phòng và Ban Chỉ huy Biên phòng tỉnh: "Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí". Mã hoá xong bức điện mật, nhân viên cơ yếu Nguyễn Xuân Mạc chuyển ngay cho tổ điện đài VTĐ phát đi, rồi nhanh chóng tiêu huỷ toàn bộ phương tiện và tài liệu mật không để rơi vào tay địch.

Lúc địch đang tiếp tục củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công quyết định vào trận địa phòng thủ của đồn, cũng là lúc biên giới chìm dần vào màn đêm. Với địa hình rừng núi hiểm trở, biết địch không thể mạo hiểm cho lực lượng bộ binh tấn công vào ban đêm, Ban Chỉ huy đồn đã tranh thủ hội ý chớp nhoáng. Trong khi đạn đã hết, quân số chỉ còn hơn một tiểu đội, nếu bám trụ lại sẽ không còn khả năng đối phó với một lực lượng địch rất đông, lại được tăng cường quân số, trang bị. Kiên quyết không đầu hàng, không để địch bắt, phương án bảo toàn lực lượng nhanh chóng được vạch ra.

Qua trinh sát nắm tình hình, biết lực lượng địch sau những ngày giằng co, căng thẳng, quân số bị tiêu hao nhiều, tinh thần binh lính bạc nhược, mất sức chiến đấu, nên chúng nằm la liệt im lìm dọc sườn núi. Đây là thời cơ để cán bộ chiến sỹ của ta vượt vòng vây rút ra ngoài.

Từ đánh giá chính xác tình hình địch, thông thạo địa hình, địa vật, Chính trị viên Trần Ngọc đã quyết định cho cán bộ chiến sỹ bí mật lần lượt rút ra ngoài theo phương án đã định. Bằng những khoa mục đã được huấn luyện thuần thục ở địa hình rừng núi, mà người lính biên phòng nào cũng phải trải qua... cán bộ chiến sỹ còn lại đã vượt vòng vây rút ra ngoài an toàn trước lúc trời sáng.

Sau hơn 40 năm trôi qua, chúng tôi quyết định đi tìm người lính Cơ yếu đã trực tiếp mã hoá bức điện lịch sử gửi đi từ đồn biên phòng Pha Long năm ấy. Cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng, anh là một trong những người lính cuối cùng của đồn biên phòng Pha Long đã anh dũng hy sinh sau bức điện mật đó!

Gặp lại Nguyễn Xuân Mạc tại quê anh Gia Viễn, Ninh Bình vào ngày đầu tháng 3/2021. Trở về sau chiến tranh biên giới kết thúc, cuộc sống gia đình còn bề bộn, khó khăn, tưởng chừng anh không còn quan tâm đến cuộc chiến đã diễn ra gần một phần hai thế kỷ rồi. Nhưng trong câu chuyện cùng chúng tôi, anh vẫn nhớ như in, nhớ đến từng chi tiết diễn biến trước, trong và sau cuộc chiến tranh biên giới; nhớ họ tên từng người chỉ huy đơn vị, nhớ đến đồng đội đồn Pha Long đã cùng nhau nơi chiến hào chiến đấu, mà trong số đó hầu hết đã không trở về. Giọng anh lắng lại trầm ngâm, cho đến lúc này anh vẫn ngỡ ngàng không hiểu vì sao mình còn được ngồi đây với các đồng nghiệp để ôn lại khoảnh khắc vượt vòng vây quân thù!

Chiến tranh là bi thảm, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 càng bi thảm hơn! Mặc dù thời gian đã trôi qua, mối quan hệ hai nước đã được bình thường hoá. Nhưng cuộc chiến này là một "vết hằn lịch sử" trong quan hệ Việt - Trung không thể xoá nhoà, đặc biệt càng không thể xoá nhoà trong ký ức của những người lính đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc của Tổ quốc!