Làm sao để an toàn khi giao dịch qua thẻ ngân hàng?

10:38 | 14/06/2022

Thẻ ngân hàng là một phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán qua ngân hàng bên cạnh các phương tiện thanh toán khác như tiền mặt, séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu. Với những tính năng gọn nhẹ, giao dịch nhanh chóng, thẻ ngân hàng đã và đang được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, an toàn khi giao dịch qua thẻ là một vấn đề mà người dùng luôn cần phải lưu tâm. Dưới đây là một số nguyên tắc đảm bảo an toàn cho các giao dịch thẻ mà người dùng cần thực hiện.

Trước và sau khi nhận thẻ

Việc đảm bảo an toàn trong quá trình giao dịch thẻ phải được thực hiện ngay từ khi khách hàng nhận thẻ.

Thứ nhất, đọc kỹ Hợp đồng sử dụng thẻ trước khi ký vào Đơn phát hành và Hợp đồng sử dụng thẻ.

Thứ hai, kiểm tra các thông tin trên thẻ để đảm bảo đúng các thông tin khách hàng đã đăng ký khi nhận thẻ tại Chi nhánh ngân hàng.

Thứ ba, đổi mã số cá nhân (Personal Identification Number - PIN) đối với các thẻ ghi nợ mà Ngân hàng cung cấp tại máy (Automated Teller Machince – ATM) ngay sau khi nhận thẻ để kích hoạt thẻ. Khách hàng cần lưu ý nên tránh các con số có liên quan đến các thông tin cá nhân như: ngày sinh, số điện thoại, biển số xe… để tránh rủi ro lộ lọt thông tin.

Bảo quản thẻ

Trong quá trình sử dụng, khách hàng không đưa thẻ cho bất kỳ ai, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thẻ. Khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.

Đặc biệt, khách hàng không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất cứ ai. Khách hàng là người duy nhất được biết các thông tin đó.

Việc giữ thẻ trong ví cần đặt ở vị trí mà khách hàng có thể dễ nhìn thấy bất cứ lúc nào khi mở ví, nhằm giúp khách hàng phát hiện sớm việc mất thẻ.

Định kỳ, khách hàng tiến hành đổi mã PIN và không cất giữ mã PIN chung với thẻ.

Bên cạnh đó, khách hàng cần ghi nhớ hạn mức sử dụng và hạn mức rút tiền mặt đối với mỗi giao dịch của thẻ để có thể dễ dàng kiểm soát được số dư tài khoản của mình.

Khi giao dịch tại ATM

Có 4 lưu ý mà khách hàng cần lưu ý khi giao dịch tại các điểm ATM:

Thứ nhất, luôn lấy tay che bàn phím khi nhập mã PIN.

Thứ hai, quan sát kỹ trước khi thực hiện giao dịch tại ATM, không giao dịch nếu máy ATM có thiết bị lạ, bất thường.

Thứ ba, kiểm tra kỹ vị trí đầu đọc thẻ, bàn phím, màn hình đảm bảo không có gì bất thường như vết trầy xước hoặc máng, dây điện, dấu vết băng keo trên hoặc gần đầu đọc thẻ, thiết bị gắn vào máy ATM.

Thứ tư, luôn kiểm tra tiền và lấy lại thẻ sau khi thực hiện giao dịch, đối chiếu giao dịch in ra từ hóa đơn hoặc thông báo tại tin nhắn SMS gửi tới khách hàng.

Khi giao dịch tại điểm bán hàng (Point of sale - POS)

Đối với việc giao dịch tại điểm bán hàng, khách hàng phải đảm bảo việc giao dịch được thực hiện trong tầm mắt để quan sát việc quẹt thẻ của thu ngân, yêu cầu thu ngân không được sao chụp, ghi lại các thông tin của thẻ.

Khi nhập mã PIN, khách hàng luôn lấy tay che bàn phím để tránh đối tượng xấu nhìn trộm.

Với thẻ chip, khách hàng luôn yêu cầu thực hiện thanh toán thẻ qua đầu đọc chip và chỉ đồng ý thực hiện giao dịch qua dải từ trong trường hợp máy cà thẻ không có đầu đọc chip.

Sau khi quẹt thẻ, khách hàng nhận lại thẻ và kiểm tra kỹ nội dung, tổng số tiền cần thanh toán trước khi ký tên vào hóa đơn giao dịch.

Cuối cùng, khách hàng nên giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ và các chứng từ có liên quan để đối chiếu với các giao dịch trên sao kê tài khoản thẻ.

Khi giao dịch trực tuyến

Giao dịch trực tuyến tồn tại nhiều rủi ro hơn đối với khách hàng, như: đánh cắp thông tin, giả mạo website, tấn côn kỹ nghệ xã hội…. Để giảm thiểu rủi ro, khách hàng cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao. Lưu ý, khách hàng nên gõ địa chỉ đường dẫn website đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường dẫn có sẵn hoặc được gợi ý.

Thứ hai, nên sử dụng máy tính cá nhân, điện thoại của mình để giao dịch thay vì các thiết bị và wifi công cộng tại công ty, quán cafe, quán internet… Trong trường hợp sử dụng thiết bị kết nối công cộng, khách hàng cần tắt chế độ tự động lưu thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và thẻ trên các trình duyệt.

Thứ ba, cài đặt và cập nhật các chương trình diệt virus mới nhất cho máy tính, điện thoại.

Thứ tư, tránh cài đặt các phần mềm từ các nguồn không đáng tin cậy.

Thứ năm, thường xuyên thay đổi mật khẩu và tránh sử dụng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản.

Thứ sáu, tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch. Khi thực hiện hoàn tất giao dịch, khách hàng phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website.

Thứ bảy, tham khảo kỹ các điều khoản và điều kiện của website trước khi đồng ý giao dịch/thanh toán.

Thứ tám, không rời khỏi màn hình/thiết bị trong quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến.

Thứ chín, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ thông tin, dữ liệu thẻ có thể đã bị xâm nhập, khách hàng cần ngừng giao dịch, đồng thời thực hiện các biện pháp khóa thẻ khẩn cấp và liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ.

Bên cạnh các lưu ý trên, khách hàng cần đăng ký dịch vụ nhận thông báo biến động số dư (SMS chủ động) để được thông báo khi phát sinh các giao dịch. Việc nắm bắt thông tin ​​​​​​​giao dịch thẻ, giúp khách hàng chủ động khóa chi tiêu trực tuyến của thẻ, khóa thẻ khi có dấu hiệu nghi ngờ rủi ro.